Nói tại Toạ đàm về nâng cao hiệu quả hoạt động cửa DNNN, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho biết ông rất ủng hộ việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước. Hoạt động của Uỷ ban này có thể khắc phục được tình trạng thông tin mập mờ, không tuân thủ các quy định của Chính phủ trong minh bạch hoạt động.
Tuy nhiên, ông Hồ nhấn mạnh Uỷ ban phải tập trung vào quản lý vốn, thay vì quản lý hành chính. Điều này nhằm tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" như một số bộ, ngành trước đây.
"Khi có quyền phải thực hiện cho tốt, làm đúng, rõ ràng thì mới có uy, chứ không chỉ có quyền", ông Hồ nhận xét.
Bổ sung thêm, ông cho rằng với tầm siêu uỷ ban quản lý hơn 2 triệu tỷ đồng vốn nhà nước, trong giai đoạn đầu, Chính phủ hay lãnh đạo Chính phủ cần trực tiếp chỉ đạo. Ông cũng lưu ý Uỷ ban cần sớm đi vào hoạt động vì tính đến nay đơn vị này đã được thành lập gần 1 năm.
Ông Phùng Văn Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lại quan tâm đến việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước hiệu quả tại "siêu Uỷ ban".
"Dự thảo giao chức năng quan trọng cho Ủy ban, bảo đảm an toàn, khối lượng tài sản lớn của Nhà nước", ông Hùng nói.
Do vậy, để Uỷ ban hoạt động hiệu quả, trong quy định chức năng nhiệm vụ cần bảo đảm tính chủ động của Ủy ban. "Nếu không tạo cơ chế để Ủy ban chủ động, chịu trách nhiệm thì khó. Cần quy định trách nhiệm rõ ràng, giao quyền phù hợp", vị chuyên gia này cho hay.
Việc dự thảo Nghị quyết Chính phủ quyết định đưa SCIC về Uỷ ban được ông Hùng nhìn nhận là một tin mừng.
"Quản lý vốn, dùng vốn đó sản xuất kinh doanh đầu tư hiệu quả, chứ không phải cho vào két. SCIC về Ủy ban là đúng đắn", ông nói.
Tuy nhiên, vị này cũng tỏ ra băn khoăn trước câu chuyện làm thế để phát huy được vai trò SCIC mà vẫn bảo đảm tính thống nhất của Ủy ban. Theo ông, cần phải hiểu việc đặt SCIC là công cụ giúp Ủy ban trong đầu tư và kinh doanh vốn hiệu quả. Do vậy, khi nhập vào, đơn vị này cần tạo tổ chức thống nhất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.
Trong khi đó, ông Hùng cho biết Dự thảo vẫn giao SCIC đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp chuyển giao từ các bộ, ngành. Ủy ban đại diện các doanh nghiệp chủ sở hữu, trong Ủy ban có đại diện chủ sở hữu khác.
"Như vậy, tôi băn khoăn liệu chúng ta có tạo nên ‘nhà nước nhỏ trong một nhà nước lớn’?" ông Hùng đặt câu hỏi và chỉ ra điểm mấu chốt cần xác định trách nhiệm SCIC với việc chung thế nào, vai trò Ủy ban với các doanh nghiệp mà SCIC đại diện chủ sở hữu thế nào.
"Đây là vấn đề cần rõ ràng minh bạch để Ủy ban hoạt động tốt, SCIC phát huy tác dụng hiệu quả", ông nhấn mạnh.
Làm rõ thêm thông tin, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết SCIC có nhiệm vụ là công cụ của Uỷ ban để đầu tư và kinh doanh vốn. Như vậy, có thể hiểu SCIC sẽ là đơn vị cung cấp nguồn vốn mồi, chịu trách nhiệm quả trị dự án, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban.
"SCIC là người giúp Ủy ban, Chính phủ, tiếp nhận các doanh nghiệp còn lại tiếp nhận vốn Nhà nước về không thuộc 19 tập đoàn lớn của Nhà nước", ông Tiến nói. Bởi lẽ, SCIC có kinh nghiệm thoái vốn và đạt nhiều quả tốt trong thoái vốn DNNN.
Bên cạnh đó, ông Tiến nhấn mạnh SCIC là doanh nghiệp có nguồn lực thuê chuyên gia tốt, chịu trách nhiệm cao.
Như vậy, Dù còn nhiều e ngại, nhưng như cách nhìn nhận của ông Lưu Bích Hồ thì "cái gì phải làm mới thành công, còn nếu ngồi đó sợ, thì khó". Theo đó, ông Hồ cho rằng thời điểm hiện tại, điều cần thiết là phải ủng hộ Uỷ ban này sớm đi vào hoạt động.