Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra quyết định hỗ trợ 653 triệu USD cho 87 doanh nghiệp để rời khỏi Trung Quốc của chính phủ Nhật Bản nhằm mở rộng hoạt động sản xuất trong nước và Đông Nam Á. Động thái này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu nền kinh tế thế giới có đang nỗ lực tách rời khỏi Trung Quốc hay không.
Đại dịch Covid-19 đã tàn phá các chuỗi cung ứng toàn cầu, khi cuộc khủng hoảng đã làm rõ một điều mà nhiều công ty và quốc gia đã nhận ra từ lâu, đó là họ quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Nhật Bản cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Hơn nữa, dù không phải tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động tại đại lục, nhưng động thái của chính phủ Nhật Bản đã làm gia tăng mối lo ngại ở nước này.
Dù các công ty như vậy ước tính chỉ chiếm chưa đến 1% tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc và tác động đối với nền kinh tế vẫn chưa xuất hiện ngay lập tức, nhưng nếu xu hướng tách rời vẫn tiếp tục diễn ra, nền tảng của mô hình tăng trưởng lâu dài của Trung Quốc sẽ bị lung lay. Chưa dừng ở đó, các cơ sở sản xuất của quốc gia này có thể sẽ rơi vào tình trạng "trống rỗng".
Với khoản trợ cấp hơn 500 triệu USD, 57 công ty của Nhật Bản sẽ mở nhiều nhà máy trong nước hơn, trong khi đó 30 công ty còn lại có kế hoạch mở rộng sản xuất sang các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Myanmar va Thái Lan. Trong đó, khoảng 70% các công ty là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với hơn 2/3 sản xuất thiết bị y tế. Theo các quan chức Nhật Bản, danh sách công ty thứ hai được nhận trợ cấp cũng đang được thành lập, với các thành phần tương tự như danh sách đầu tiên.
Theo một cuộc khảo sát của Teikoku Databank – một trung tâm nghiên cứu tín dụng hàng đầu của Nhật Bản, tính đến cuối tháng 5/2019 có 13.685 công ty Nhật Bản tại Trung Quốc, giảm từ 13.934 vào năm 2016. Trong khi đó, mức đỉnh là năm 2012, với 14.394 công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ-Trung, cũng như tác động của dịch Covid-19, các "ông lớn" ngành in ấn của Nhật Bản bao gồm Brother, Kyocera và Fuji Xerox đang rời khỏi Trung Quốc, chuyển hướng sang Việt Nam. Sharp cũng chuẩn bị đưa một phần dây chuyền sản xuất máy in đa chức năng từ tỉnh Giang Tô sang Thái Lan, dù những động thái này không có liên quan đến khoản trợ cấp của chính phủ, theo tạp chí Caijing.
Liu Zhibiao – giáo sư ngành kinh tế công nghiệp tại Đại học Nam Kinh (Giang Tô), cho biết chính quyền địa phương đang lo ngại về sự di dời của các nhà sản xuất Nhật Bản. Họ sẽ cảm thấy "mất mặt" nếu các doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.
Liu – cũng là một cố vấn của chính phủ, nói thêm: "Ở Giang Tô, chúng tôi chưa thấy xu hướng di dời ồ ạt của các công ty Nhật Bản. Chúng tôi hiểu động thái của chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là với những gì đã xảy ra kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát."
Ông nhận định: "Chính quyền Giang Tô tự tin về cơ sở hạ tầng và chức năng của chính phủ, bởi vậy họ không lo lắng về tình trạng này. Do đó, cuối cùng, cách duy nhất để chính quyền địa phương giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài là giúp họ giảm bớt chi phí và mang đến môi trường đầu tư an toàn."
Tại tỉnh Sơn Đông, nơi có hơn 1.300 nhà sản xuất Nhật Bản đặt trụ sở, chính quyền địa phương đang nỗ lực để thu hút thêm vốn đầu tư của Nhật Bản. Địa phương này đang đồng tổ chức một sự kiện với các tổ chức xúc tiến thương mại của Trung Quốc và Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác giữa 2 bên trong lĩnh vực sản xuất thiết bị cao cấp và ngành chăm sóc sức khỏe, y tế.
Hideo Kawabuchi – Phó tổng giám đốc Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) , cho biết mục đích chính thức của khoản trợ cấp là đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Nhật Bản, giúp chuỗi cung ứng trở nên linh hoạt hơn chứ không phải di dời hoàn toàn ra khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách này cũng không mang tính bắt buộc, quyết định di dời khỏi Trung Quốc tùy thuộc vào từng công ty.
Trong cuộc khảo sát thực hiện hồi tháng 4 của JETRO với 424 công ty Nhật Bản có cơ sở ở miền đông Trung Quốc, 86% số đó cho biết họ không có kế hoạch thay đổi chuỗi cung ứng hoặc chuyển sang nước khác. Trong số 361 công ty ở miền nam Trung Quốc, 22,3% nói rằng họ sẽ mở rộng hoạt động ở Trung Quốc và 8,6% sẽ thu hẹp quy mô hoạt động tại đây, trong khi 69,1% đang theo dõi, chưa đưa ra quyết định rõ ràng.
Tham khảo SCMP