Mới đây, tờ SMCP đã đăng tải ý kiến của một độc giả về lý thuyết tiền tệ hiện đại – khi các chính phủ có thể tùy ý in tiền và tiêu xài.
Đã có thời, đa số mọi người làm nông nghiệp và các hoạt động kinh tế còn tương đối trầm lắng. Sau đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp xuất hiện, hoạt động nông nghiệp bắt đầu thu hẹp khi người dân dần chuyển tới các thành phố và bắt đầu sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu thô ngày càng nhanh và nhiều.
Sự tiến triển này làm gia tăng nhu cầu đối với tiền để mở rộng thương mại. Các quốc gia lần lượt từ bỏ chế độ tiền tệ bản vị vàng. Hoạt động kinh tế lớn hơn đòi hỏi các chính phủ phải tăng nguồn cung tiền tệ để tạo điều kiện cho thương mại phát triển. Các chính sách Keynes vào cuộc tại đây, với quan điểm rằng các chính sách tài khóa của chính phủ là bắt buộc để chèo lái nền kinh tế.
Vào những năm 1970, giá dầu tăng mạnh đã dẫn tới tình trạng lạm phát kèm suy thoái trầm trọng. Nền kinh tế chứng kiến sự trỗi dậy của Milton Friedman và nền kinh tế trọng cung – theo đó, tăng trưởng kinh tế có thể được tạo ra nhờ việc cắt giảm thuế và gỡ bỏ các rào cản chính sách. Trường phái này đã được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trọng dụng – các sắc thuế được cắt giảm và các công đoàn sụp đổ, khiến giới giàu có càng giàu thêm, còn ngân sách các quốc gia rơi vào kiệt quệ.
Giới trung lưu dần thu hẹp ở các nước phương Tây khi mức lương giảm mạnh. Trung Quốc nổi lên trở thành công xưởng sản xuất chi phí thấp của thế giới, khiến lạm phát không còn nhiều ý nghĩa. Quan điểm của Friedman dần mất vị thế cho lý thuyết tiền tệ hiện đại – khi các chính phủ có thể tùy ý in tiền và tiêu xài.
Về cơ bản, các ngân hàng trung ương có thể tùy ý in tiền để duy trì các hoạt động kinh tế. Lý thuyết này cực kỳ tuyệt vời đối với những tài sản của tầng lớp giàu có. Tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức thấp một cách khó chịu, bất kể các ngân hàng có in nhiều tiền cỡ nào.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục sản xuất mọi thứ ngày một rẻ hơn, còn các nền kinh tế phương Tây chủ yếu cung cấp các dịch vụ sẽ đảm bảo rằng mức lạm phát sẽ bằng 0 ít nhất trong tương lai gần. Thế nhưng giới giàu và siêu giàu sẽ ngày một giàu hơn, bỏ xa những tầng lớp dưới đang ngày một vật lộn hơn.
Trên thực tế, thế hệ thiên niên kỷ đang đồng loạt phản ứng khi họ chứng kiến giới giàu có hưởng thụ xa hoa trong khi các chính phủ lại yêu cầu họ thắt lưng buộc bụng. Một tương lai mù mịt ảm đạm đang tiến đến ngày một gần khi mà công nghệ robot cùng với trí tuệ nhân tạo đang giành đi ngày càng nhiều công việc, còn các chính phủ lại ngủ gật ở vô-lăng chèo lái.