Sự thay đổi này đã đem lại sự an toàn, minh bạch, hiệu quả cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế. Đây cũng là bước chuyển đổi quan trọng của ngành thuế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Mỗi tháng, Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh phát hành trên 250.000 hóa đơn thu tiền nước. Sau 3 năm áp dụng hóa đơn điện tử , doanh nghiệp đã tiết kiệm được hơn 10 tỷ đồng chi phí phát hành, nhân công và lưu trữ hóa đơn giấy.
"Việc ứng dụng hóa đơn điện tử giúp công ty số hóa được thông tin khách hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, giảm rủi ro trong quá trình vận chuyển hóa đơn", ông Trần Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn sử dụng song song hóa đơn giấy và điện tử, trong đó hóa đơn điện tử do doanh nghiệp tự phát hành, lưu trữ nội bộ. Theo Nghị định 123, từ ngày 1/7/ 2022, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn kết nối với hệ thống dữ liệu của ngành thuế.
"Việc xây dựng lại cơ sở dữ liệu giúp doanh nghiệp quản trị được chi phí, chứng từ của mình, cũng như giúp cơ quan thuế có cơ sở dữ liệu phục vụ người nộp thuế tốt hơn", Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho hay.
"Đảm bảo cho chuyển đổi số một cách nhanh nhất với ngành tài chính, chống hoàn thuế GTGT, chống trốn thuế, trục lợi với chính sách thuế, tiết giảm được chi phí cho doanh nghiệp và Nhà nước, thuận lợi trong thanh tra, kiểm tra", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định.
Trước khi áp dụng trên toàn quốc vào tháng 7 năm sau, Tổng cục Thuế sẽ triển khai thực hiện giai đoạn 1 tại 6 địa phương đang chiếm hơn 70% tổng số hóa đơn điện tử của toàn ngành là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ và TP Hồ Chí Minh.