Đánh giá về tình trạng bơm tạp chất vào tôm trong thời gian qua, cũng như ảnh hưởng của tình trạng này đến chất lượng tôm Việt, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cho biết:
Tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm mục đích gian dối về kinh tế (làm tăng khối lượng, làm thay đổi kết cấu, lừa dối cảm giác về độ tươi...) diễn ra từ những năm 1990. Lợi nhuận từ việc đưa tạp chất vào tôm đã khiến cho một số cá nhân bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi tổ chức và đưa tạp chất vào tôm vào nguyên liệu thủy sản, thậm chí, đã có lúc, đưa tạp chất vào tôm trở thành một “nghề” có tổ chức ở một số địa phương như: Cà Mau, Bạc Liêu, Hà Nội, Nam Định và các tỉnh miền Bắc.
Một cơ sở bơm tạp chất vào tôm tại Hà Nội bị các cơ quan chức năng bắt quả tang vào tháng 8.2017. Ảnh: I.T
"Cơ quan thẩm quyền về An toàn thực phẩm một số nước (Nhật Bản, Hàn Quốc) trong thời gian qua đã có cảnh báo về việc phát hiện một số lô hàng tôm có tạp chất agar từ Việt Nam. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một số phương tiện thông tin đại chúng của châu Âu cũng đã đưa tin về việc các nhà nhập khẩu thủy sản cảnh báo về tình trạng đưa tạp chất agar vào tôm tại Việt Nam đang ở mức báo động và cảnh báo người tiêu dùng không nên mua tôm của Việt Nam”. Ông Nguyễn Như Tiệp |
Chất lượng sản phẩm tôm sau khi đã bị bơm tạp chất cũng bị ảnh hưởng rõ rệt tùy thuộc vào phương thức cũng như loại tạp chất đưa vào tôm. Phần lớn, việc đưa tạp chất vào tôm được thực hiện bằng các dụng cụ, phương tiện mất vệ sinh, do đó sản phẩm tôm có tạp chất cũng sẽ không đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặt khác, trường hợp các tạp chất đưa vào tôm là các hoá chất không có tên trong Danh mục các phụ gia, chất hỗ trợ chế biến theo quy định hoặc không được sản xuất chuyện dụng để dùng trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.
Tình trạng đưa tạp chất vào tôm đã ảnh hưởng rất lớn hình ảnh, thương hiệu, uy tín chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như thị trường nhập khẩu.
Tình trạng bơm tạp chất vào tôm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh thương hiệu tôm Việt, nhất là mặt hàng xuất khẩu trong bối cảnh mặt hàng này đang đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho toàn ngành. Vậy theo ông, cần làm gì để phòng chống triệt để tình trạng này?
- Trên cơ sở đề xuất của Bộ NNPTNT với sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13.12.2016 phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Đề án đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, giải pháp đồng bộ nhằm phòng chống triệt để việc đưa tạp chất vào tôm.
Tôi cho rằng, việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án 2419 nêu trên của các Bộ ngành có liên quan, của các cấp chính quyền địa phương, quyết tâm cam kết “nói không với tạp chất” của các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm sẽ phòng chống triệt để tình trạng đưa tạp chất vào tôm.
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng bơm tạp chất vào tôm vẫn tiếp diễn bởi chế tài xử phạt chưa đủ răn đe, quy định chưa đủ chặt chẽ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Hiện nay, chế tài xử lý vi phạm các hành vi đưa, tổ chức đưa tạp chất vào tôm cũng như sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất được thực hiện theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Theo tôi mức phạt tiền đối với cá nhân từ 10 – 100 triệu đồng cho các hành vi vi phạm về tạp chất, đối với tổ chức, mức phạt sẽ được nhân đôi, đây là mức xử phạt tương đối phù hợp. Ngoài ra, một số hành vi như tổ chức đưa tạp chất vào tôm, sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất mức phạt có thể lên tới 3,5 lần giá trị lô hàng (vi phạm của doanh nghiệp sẽ phạt tới 7 lần giá trị lô hàng). Thực tế, với các trường hợp phát hiện vi phạm tạp chất của các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua, có vụ việc đã bị xử phạt với số tiền lên đến gần 600 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tại Đề án 2419 nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất và hướng dẫn xử lý theo Luật Hình sự.
Trong trường hợp không xác định được tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự, Bộ Công an phối hợp với các bên có phương án thống nhất báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung hành vi vi phạm tạp chất là tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự. Hiện nay, Bộ Công an đang tích cực triển khai nhiệm vụ này để báo cáo Thủ tướng.
Đồng thời, tại Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tháng 11.2017 cũng đã quy định rõ, hành vi “đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản.
Như vậy các chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm tạp chất cũng đã tương đối đầy đủ và vẫn tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới để đảm bảo tính răn đe.
Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực xử lý tình trạng này, song thời gian qua các vụ việc vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Phải chăng, sự vào cuộc của các địa phương chưa triệt để, đồng thời sự phối hợp giữa địa phương và các ban ngành liên quan chưa chặt chẽ?
- Để đạt được hiệu quả rõ rệt trong việc đầy lùi tình trạng đưa tạp chất vào tôm, theo tôi vai trò và sự vào cuộc của của chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp huyện, xã và sự phối hợp của ngành công an là hết sức quan trọng.
Thời gian trước đây, việc tham gia của chính quyền địa phương (huyện, xã) chưa tích cực, có thông tin về các tụ điểm bơm chích trên địa bàn nhưng không xử lý, không báo cơ quan chức năng xử lý, thậm chí có thông tin cho rằng có nơi chính quyền huyện, xã có hiện tượng bao che, tiếp tay cho hoạt động đưa tạp chất vào tôm. Số vụ việc vi phạm tạp chất được phát hiện chủ yếu là các phương tiện vận chuyển, gần như không phát hiện và xử lý các tụ điểm bơm chích.
Tuy nhiên, từ khi Chính phủ ban ban hành Đề án 2419 nêu trên cùng một loạt các văn bản triển khai của các Bộ, ngành, các địa phương cũng đã tích cực triển khai và đã có một số kết quả nhất định. Tôi đề nghị các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc thanh kiểm tra, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm tạp chất được phát hiện, đồng thời xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở khi để xảy ra vi phạm tạp chất trên địa bàn.
Xin cảm ơn ông!