Sáng 13-11, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra mít tinh cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Đây là sự kiện hưởng ứng Tuần lễ nhận thức về việc sử dụng kháng sinh do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) phát động.
Lượng kháng sinh bán ra tăng gấp đôi
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết kháng sinh giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tự nhiên, việc sử dụng kháng sinh không đúng, nhất là lạm dụng trong y tế, nông nghiệp là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Kháng thuốc kháng sinh xảy ra ở tất cả quốc gia, con người, thực phẩm, động vật.
Báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của WHO cho biết tại Việt Nam, hầu hết cơ sở khám chữa bệnh đang đối mặt với sự lan rộng của vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh; mức độ và tốc độ kháng thuốc gia tăng ở mức báo động.
Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng Ảnh: Tấn Thạnh
Theo Bộ Y tế, từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng 2 lần. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ này lên đến 91%. Việt Nam hiện là một trong những nước có tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới, thậm chí tình trạng mua bán thuốc kháng sinh được giới chuyên môn đánh giá "dễ hơn mua rau". Vì thế, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, năm 2017, ba thông điệp được đưa ra tại lễ phát động là: Chỉ sử dụng kháng sinh khi có bác sĩ kê đơn; không sử dụng lại kháng sinh và không chia sẻ kháng sinh cho người khác; hãy giữ cho mình một cơ thể khỏe mạnh, tránh những môi trường nhiễm khuẩn.
Cấm từ năm 2018
Khẳng định nạn kháng sinh đang ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh kế của người dân Việt Nam, đe dọa tới sự bền vững của sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và môi trường, ông Jong Ha Bea, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, kêu gọi người chăn nuôi, bác sĩ thú y và người bán thuốc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm hơn. Việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật. Đáng lo ngại, kháng sinh được trộn vào thức ăn chăn nuôi một cách bừa bãi gây nguy hại cho sức khỏe người dân do ăn thịt, cá là "ăn" cả kháng sinh tồn dư trong thực phẩm.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khởi động kế hoạch hành động quốc gia về quản lý, sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản 2017 -2020. Theo lộ trình, Việt Nam sẽ chỉ cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi hết năm 2017 và từ năm 2018 sẽ cấm sử dụng thức ăn chăn nuôi có pha trộn kháng sinh cho mục đích sinh trưởng mà chỉ cho phép sử dụng trong phòng và chữa bệnh. Danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi từ 43 loại trước đây, nay cắt giảm còn 15 loại và cũng chỉ được phép sử dụng đến ngày 31-12-2017.
Tăng cường giám sát
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết một trong những biện pháp để kiểm soát tình trạng kháng thuốc kháng sinh là Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP). Đến năm 2020, Bộ Y tế yêu cầu các quầy thuốc, nhà thuốc bán kháng sinh phải 100% có đơn thuốc.
Kẽ hở kiểm định
Hầu hết người nuôi tôm buộc phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật để diệt một số sinh vật nhằm làm sạch ao hồ trước khi thả nuôi. Do đó, con tôm khi thu hoạch chắc chắn đã mang chất kháng sinh (trừ tôm nuôi tự nhiên).
Ông Võ Thành Tiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Cà Mau, cho biết dù địa phương liên tục tuyên truyền, cảnh báo hạn chế sử dụng chất kháng sinh trong quá trình nuôi và chế biến tôm xuất khẩu song tình trạng dư lượng kháng sinh trong tôm vẫn tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. "Nghề nuôi tôm rủi ro cao và nhiều dịch bệnh nên người nuôi không thể không sử dụng nhiều chất kháng sinh để phòng ngừa, dẫn đến tôm bị nhiễm chất cấm. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại chính là khâu chế biến cũng gây nhiễm kháng sinh. Bởi trong quá trình chế biến, nhiều cơ sở đã lạm dụng các chất bảo quản để sản phẩm được tươi, lâu phân hủy. Đặc biệt là tôm bơm chích tạp chất, có đến 80% - 90% tôm bị phát hiện có tạp chất đều được chế biến xuất khẩu chứ không tiêu hủy theo quy định" - ông Tiếm cho biết.
Cũng theo ông Tiếm, trên thực tế, không ít doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản gian dối trong việc kiểm định dư lượng kháng sinh trong tôm. Quy trình kiểm định dư lượng kháng sinh trong tôm hiện nay là DN tự chọn mẫu gửi cho cơ quan kiểm định. Do đó, những DN gian dối sẽ chọn mẫu tốt nhất để kiểm định, trong khi cả lô hàng thì kém chất lượng. Cách kiểm định này gây ra cạnh tranh không công bằng với những DN làm ăn nghiêm túc.
Nguyên nhân dẫn đến chuyện kiểm định theo kiểu chiếu lệ có thể là do chủ DN đồng tình, cũng có thể là do một bộ phận trong xí nghiệp cố tình qua mặt chủ DN. Trong việc này, có sự trợ giúp lớn từ chính cơ quan kiểm định do cách làm việc qua loa, thiếu trách nhiệm. "Một khi hàng của DN xuất khẩu bị trả về phải tổn thất lớn về kinh tế là đương nhiên. Nhưng quan trọng hơn là tổn thất uy tín, danh dự của ngành tôm cả nước. Về mặt quản lý nhà nước, năm nào chúng tôi cũng thực hiện tháng cao điểm tăng cường giám sát, quản lý, kiểm soát từ đầu vào cho đến khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phối hợp giữa các ngành nông nghiệp, y tế và công thương ở địa phương chưa đồng bộ, có khi giẫm chân lên nhau, gây phiền hà cho DN trong khi hiệu quả mang lại không cao" - ông Tiếm nhìn nhận.
D.NHÂN