Dự án Luật Dược (sửa đổi) lần này đã sửa đổi, bổ sung 38 Điều của 8 Chương trong Luật Dược 2016. Theo đó, bổ sung một số loại hình kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, vận chuyển thuốc và dịch vụ nghiên cứu, phát triển; kinh doanh dịch vụ tư vấn sử dụng thuốc ; kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử , máy bán thuốc tự động và quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh các dịch vụ trên.
Theo bộ Y tế, trong bối cảnh đổi mới liên tục của công nghệ và ảnh hưởng của tình hình đại dịch COVID-19 thời gian qua, việc mua bán theo phương thức thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Tại Việt Nam, số người tiêu dùng trên Internet trong năm 2015 là 23 triệu, dự đoán đạt 40 triệu năm 2025. Cơ quan này đánh giá, việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử là xu hướng tất yếu; cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ mở thêm kênh bán hàng, thị trường mới; quảng bá sản phẩm và mở rộng khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định tại Luật Dược năm 2016, trong khi, nhiều các trang thương mại điện tử bán thuốc đã hoạt động thời gian qua. Do đó, Bộ Y tế cho rằng cần xây dựng quy định để tránh khoảng trống pháp lý đối với vấn đề này.
Cụ thể, đối với phương thức kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử được quy định tại Điều 42: Các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương đáp ứng điều kiện kinh doanh dược. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh dược không được thực hiện việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội , live stream trực tuyến.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dược theo các hình thức online phải tuân thủ pháp luật về giao dịch điện tử; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; bảo mật thông tin của người mua; công khai chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy đăng ký lưu hành, bao bì thương phẩm.
Cơ sở bán lẻ thuốc tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tuyến cho người mua và vận chuyển thuốc theo quy định. Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế trong việc quản lý kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược.
Hiện, Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự án Luật Dược (sửa đổi). Dự kiến, dự án luật này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Sau nhiều năm triển khai thi hành, Luật Dược 2016 đã bộc lộ nhiều bất cập và khoảng trống do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có yêu cầu về hoạt động kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử phải được quản lý chặt chẽ với những quy định rõ ràng hơn.
Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội về vấn đề này.
PV : Theo ông, vì sao quy định cấm bán thuốc qua mạng xã hội hoặc livestream được đề cập trong Luật Dược sửa đổi lần này?
TS. Nguyễn Văn Tiên: Luật Dược sửa đổi năm 2016 cho đến nay được khoảng 7 - 8 năm. Trong xu thế chung phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, nhất là vừa qua, tình hình phòng chống dịch phát sinh nhiều vấn đề liên quan tới thuốc và các vấn đề thuộc về Luật Dược nên việc thay đổi, sửa đổi một số điều của Luật Dược là cần thiết.
Năm 2016, khi xây dựng Luật Dược, nhiều ý kiến đề nghị đưa kinh doanh qua mạng vào luật nhưng Quốc hội không đồng ý bởi vấn đề thuốc giả và các vấn đề khác liên quan tới kinh doanh qua mạng.
Cho đến nay, khi hoạt động kinh doanh, buôn bán online rất phát triển thì lại đặt vấn đề kinh doanh qua mạng vào Luật Dược sửa đổi.
PV : Vậy, ông có đóng góp gì với quy định này?
TS. Nguyễn Văn Tiên : Thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc bán qua mạng là vấn đề cần cân nhắc. Kinh doanh buôn bán thuốc qua mạng là xu thế phát triển, tiện cho cả người bán và người mua nhưng khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, là hàng hóa khác với các loại hàng hóa khác.
Việc livestream có lẽ chỉ thích hợp giới thiệu loại thuốc ấy và đến địa điểm nào mua. Chứ livestream bán qua mạng rồi ship thì có thể cộng đồng mong muốn như vậy nhưng những người quản lý thuốc phải hết sức cẩn thận, phải tìm ra giải pháp phù hợp.
Cái này chúng ta cần thảo luận theo các hướng vừa đáp ứng nhu cầu của nhân dân vừa đảm bảo tính mạng, sức khỏe. Bởi trước mắt có thể tiện lợi nhưng sâu xa tác động của thuốc đến sức khỏe con người là rất lớn.
PV : Vâng, ngoài ra, ông còn có kỳ vọng gì với Luật Dược sửa đổi lần này?
TS. Nguyễn Văn Tiên : Tôi nghĩ Luật Dược có 2 ý nghĩa quan trọng là để có đủ thuốc cho người dân sử dụng kịp thời, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp, quốc phòng an ninh, đảm bảo thuốc cho cả cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa.
Thứ 2 là tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp dược, ngành dược Việt Nam sản xuất đáp ứng nhu cầu của người dân. Và công tác quản lý giống như "lạt mềm buộc chặt" để công tác quản lý trở nên nhẹ nhàng hơn và chất lượng phục vụ người dân cũng tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cần quy định chặt chẽ
Liên quan tới việc trong hồ sơ sửa đổi Luật Dược có quy định cấm bán dược phẩm trên mạng xã hội , live stream trực tuyến, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ quan điểm tán thành. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, khi sửa đổi phải có tầm nhìn xa hơn bởi có thể một thời gian nữa, các hình thức bán hàng trực tuyến sẽ phát triển mạnh mẽ và thay đổi nhiều hơn.
"Trên thực tế hiện bây giờ đang có hiện tượng rất lộn xộn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc kể cả niềm tin của nhân dân trong việc bán hàng online , mà không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đang có tình trạng này.
Vì thế Luật Dược tới đây mà sửa điểm này thì tôi rất tán thành, cần quy định hết sức chặt chẽ và có tầm nhìn xa hơn với bán hàng qua mạng phát triển rất nhanh và đổi khác cho nên nếu mình không lường được thì vừa ra được Luật này thì nó đã bị lạc hậu rồi.
Chúng ta không cấm bán hàng qua mạng nhưng phải đưa nó vào khuôn khổ, đưa vào trật tự với những quy định chặt chẽ", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nói.
Đề xuất cấm bán thuốc theo hình thức livestream sẽ tác động ra sao tới việc mua bán thuốc chữa bệnh qua thương mại điện tử , đến hoạt động kinh doanh thuốc online của các cơ sở kinh doanh , bán lẻ thuốc? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi cùng ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam.
PV : Thưa ông, hoạt động mua bán thuốc trên mạng xã hội và livestream thời gian qua đã cho thấy những vấn đề gì?
Ông Ngô Tuấn Anh : Đây là vấn đề vênh giữa quản lý Nhà nước và thực tiễn đang triển khai. Kinh doanh buôn bán thuốc là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nghĩa là phải có giấy phép, có địa điểm.
Nhưng các thông tin này thường không rõ ràng khi bán hàng qua mạng, thông tin về chủng loại, tác dụng thuốc mà mức độ chính xác của những thông tin đó như thế nào thì kiểm tra, kiểm chứng là không có.
Chưa kể là mức độ bao phủ, phạm vi trên mạng xã hội và live stream qua thiết bị điện tử thì có tiếp cận đến hàng chục, hàng trăm nghìn người; thì khi đó, những thông tin không chính xác, sai lệch có thể khiến nhiều người bị thiệt hại tài chính và ảnh hưởng sức khỏe.
PV : Vậy ông đánh giá ra sao về việc Bộ Y tế đề xuất cấm bán thuốc qua mạng xã hội , livestream trong Luật Dược (sửa đổi)?
Ông Ngô Tuấn Anh : Điều này là cần thiết vì khi cung cấp những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân thì cần phải có kiểm soát.
Trong các quy định trước đây đã có nhưng với sự phát triển của công nghệ, các hình thức mới ra đời và các hình thức đấy chưa được quy định ở Luật cũ; và việc chúng ta bổ sung các điều kiện và giới hạn các hình thức không thể kiểm chứng, kiểm soát được nội dung như quảng cáo và bán thuốc thì rất cần thiết.
PV : Quy định này, nếu được thông qua, theo ông sẽ tác động ra sao tới việc mua bán thuốc qua thương mại điện tử ?
Ông Ngô Tuấn Anh : Nó sẽ giúp quản lý và giảm thiểu rủi ro tác động đến đời sống người dân. Trước kia mọi người cảm thấy thoải mái, nhiều đơn vị livestream bán thuốc thì sau này sẽ không được phép. Các doanh nghiệp vẫn được buôn bán, kinh doanh thuốc, dược phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử chính thống như website và ứng dụng riêng để tiếp thị và bán hàng.
Điều đó vẫn được phép với các thông tin chính thống, được kiểm duyệt và có sự chịu trách nhiệm của đơn vị bán thuốc. Ở đây chúng ta lựa chọn cân bằng giữa thuận lợi cho đơn vị kinh doanh nhưng kiểm soát được thông tin đúng đắn để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán thuốc online. Việc đưa ra quy định cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán hàng qua mạng xã hội hoặc livestream; chỉ được bán trên sàn thương mại điện tử , website được đánh giá là cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, tránh khoảng trống trong quy định đối với loại hình này, và giúp ổn định thị trường kinh doanh thuốc online hiện nay.