TP.HCM cũng thể hiện vai trò “anh cả” trong việc kết nối, giới thiệu cung cầu giữa các đơn vị sản xuất và tiêu thụ ở thành phố đông dân nhất cả nước này.
Rộn ràng “quảng cáo” nông sản
Khách tham quan gian hàng trái cây tại hội nghị kết nối cung cầu TP.HCM 2017. Ảnh: K.H
Qua chương trình kết nối cung cầu, các doanh nghiệp TP.HCM đã đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi, liên kết hỗ trợ HTX nuôi trồng, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối… Đã có 38 nhà máy, 54 trang trại, cụm trang trại… được đầu tư xây dựng, trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch lên đến 2.500 tỷ đồng. |
Đứng giữa đám đông đang chen chúc thử sản phẩm mới, cả Giám đốc Nguyễn Minh Nam và Phó Giám đốc Tôn Thất Nhật Cảm của Công ty TNHH Tiếp vận VIVAA cùng tranh thủ giới thiệu tỉ mỉ, tường tận từ quá trình sản xuất đến công dụng, cách chế biến món ăn… của sản phẩm nước thanh long ruột đỏ lên men. Là đồng sáng lập của một DN còn rất trẻ, cả Nam và Cảm đều rất tâm huyết với sản phẩm của mình.
“Thanh long đỏ lên men chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt có những dưỡng chất quan trọng góp phần cho việc giữ gìn nhan sắc và vóc dáng” - anh Nam giới thiệu sản phẩm với một khách hàng nữ. “Khác với các dòng rượu vang, sản phẩm nước thanh long lên men không chứa chất béo và các chất làm béo, chỉ 6% độ cồn nên thích hợp cho tất cả các bữa ăn giúp tăng cường hệ tiêu hóa” - anh Nam tiếp lời.
Với mong muốn tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm trái thanh long, vốn đã và đang phải bán trái tươi với giá rất rẻ, sản phẩm của Nam hiện được phân phối tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… Thế nhưng, thị trường vẫn còn rất rộng lớn nên việc tham gia quảng bá, chào hàng… là công tác không thể bỏ qua trong chiến lược của DN này.
Trong khi đó, gian hàng của tỉnh Hà Giang dù ở góc khuất nhưng luôn tấp nập khách tham quan. Ở quầy hàng cam sành tươi mọng, những cô gái trong trang phục truyền thống xinh đẹp càng thu hút hơn khách tham quan hơn.
Ông Phạm Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương tỉnh Hà Giang cho biết, có lần khi vào kết nối cung cầu ở TP.HCM, các siêu thị, chợ đầu mối cho rằng, không phân biệt được cam sành Hà Giang với cam Trung Quốc nên nhiều người còn e ngại, không dám mua.
Vậy nên năm nay, Hà Giang quyết tâm đem sản phẩm vào Nam chào hàng. Trước khi “mang chuông đi đánh xứ người”, Hà Giang “tân trang” sản phẩm bằng cách hỗ trợ nông dân dán tem truy xuất nguồn gốc cho những vườn cam sành đạt chuẩn VietGAP.
Kết hợp cung - cầu qua mạng
Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, từ những thành công trong 5 năm qua, giai đoạn 2018 – 2020, Sở Công Thương TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn cho các DN, hợp tác xã, hộ nông dân về quy trình, kỹ thuật nuôi, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng, miền.
Đồng thời, TP.HCM khuyến khích các DN trên địa bàn thành phố thực hiện ứng vốn, cung cấp giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ về nhân lực, kỹ thuật…. và bao tiêu sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… của các tỉnh, thành. Từ đó, thiết lập các chuỗi thực phẩm an toàn, kiểm soát chặt chẽ quá trình lưu thông hàng hóa xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến hoạt động phân phối đến người tiêu dùng trên địa bàn.
Ngoài ra năm nay, các nhà phân phối thiết lập các trạm thông tin để trao đổi cụ thể với các nhà cung ứng về nhu cầu chất lượng, bao bì, thị hiếu… của người tiêu dùng TP.HCM, từ đó định hướng sản xuất những sản phẩm thị trường đang có nhu cầu. Việc kết nối cũng mở rộng ra bằng phương thức online, thông qua website ketnoicungcau.vn vừa được xây dựng.
“Việc xây dựng thêm website giúp mở rộng các kênh thông tin, các DN hoàn toàn chủ động tiếp cận, kết nối đến nhà phân phối, người tiêu dùng” - bà Trang thông tin.