Thủ tướng vừa phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó định hướng phát triển khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và có năng lực cạnh tranh cao, ngang bằng với nhóm các quốc gia phát triển trong ASEAN-4.
Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Ảnh: AEON.
Theo định hướng, một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh sẽ được tập phát triển như du lịch, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, logistics, giáo dục đào tạo, y tế... Đồng thời, khu vực dịch vụ cũng sẽ hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực và quốc tế.Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2021-2030 đặt mục tiêu đạt khoảng 7-8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP. Trong giai đoạn 2030-2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 60% GDP.
Việc đẩy mạnh xã hội hóa phải gắn với hướng chung để phát triển dịch vụ giáo dục, y tế, thể dục thể thao, dịch vụ việc làm,... theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước hội nhập quốc tế.
Trong đó, ngành dịch vụ logistics và vận tải được định hướng phát triển thị trường gắn với nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Sử dụng, đầu tư hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics; Thiết lập mạng lưới trung tâm phân phối nhiều cấp (cảng cạn, kho, bãi hàng hóa) và các tuyến vận tải thu, gom hàng hóa trong các đô thị lớn và các vùng kinh tế trọng điểm.
Nguồn nhân lực có chất lượng cao cũng được chú trọng phát triển đáp ứng sự phát triển, nhu cầu trong và ngoài nước ngành.
Ngành dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ được phát triển theo hướng đổi mới quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Những cấu phần của thị trường phải được phát triển đồng bộ, để tài chính - ngân hàng tiếp tục trở thành kênh huy động và dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế; Coi trọng phát triển quy mô, chất lượng và tăng cường khả năng cạnh tranh của các định chế trung gian, tạo sự liên thông giữa hoạt động của thị trường chứng khoán, bảo hiểm với thị trường tiền tệ - tín dụng để phát triển cân bằng giữa các cấu phần của thị trường tài chính.
Việc phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng phải gắn với hội nhập thị trường tài chính và tự do hoá các ngành và phân ngành dịch vụ tài chính. Việc phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đồng thời, việc phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng cần dựa trên nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa của công nghệ hiện đại. Việc thanh toán điện tử cũng được chú trọng phát triển, phục vụ thương mại điện tử theo hướng hoàn thiện, tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với đơn vị khác.
Trong thời gian tới, ngành tài chính ngân hàng sẽ phát triển các kênh cung cấp vốn cho thị trường và mở rộng hệ thống các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư là những tổ chức lớn; Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng phi tín dụng.
Về định hướng phát triển theo vùng lãnh thổ, khu vực dịch vụ sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ...; Tăng cường tính kết nối của các trung tâm dịch vụ lớn và trung tâm dịch vụ trên các tuyến hành lang kinh tế khu vực như hành lang mới về thương mại đường bộ, đường biển quốc tế (từ thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc tới Singapore; hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế phía Nam...).
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì điều phối chung, xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển khu vực dịch vụ. Bộ Kế hoạch & Đầu tư còn được giao nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách quản lý, phát triển các ngành dịch vụ mới; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thu hút nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành dịch vụ.