Khởi công xây mới 10 chung cư
Chương trình cải tạo chung cư là một trong những vấn đề trọng điểm thuộc chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, được UBND TP.HCM triển khai từ năm 2016. Trong năm 2020, Sở Xây dựng Thành phố đã có kế hoạch di dời các hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cấp nguy hiểm, lựa chọn nhà đầu tư cũng như khởi công xây dựng dự án mới trên nền các chung cư cũ.
Theo ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm nay sở sẽ hoàn tất việc di dời 550 hộ dân đang sinh sống tại 9 chung cư cấp D (cấp nguy hiểm), lựa chọn nhà đầu tư cho 4/15 chung cư cấp D còn lại.
Đối với 10 chung cư cũ đã hoàn tất di dời và có nhà đầu tư, Sở Xây dựng dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục để các đơn vị khởi công xây dựng trong năm. Bên cạnh đó, 12 chung cư khác được xếp loại cấp nguy hiểm cũng sẽ hoàn tất tháo dỡ.
Trong năm 2020, TP.HCM dự kiến tháo dỡ 12 chung cư cũ cấp nguy hiểm. |
Tại quận 1, hai chung cư đã hoàn tất di dời dân và lựa chọn được chủ đầu tư nhưng chưa tháo dỡ là chung cư 128 Hai Bà Trưng (phường Đa Kao) và chung cư 23 Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé). Theo kế hoạch, hai chung cư này sẽ được phê duyệt phương án tháo dỡ trong quý 1/2020, hoàn tất tháo dỡ trong quý 2/2020.
16 hộ dân còn lại tại chung cư 155 – 157 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão) sẽ được di dời trong quý 1/2020. Hiện chung cư này vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư xây mới, Sở Xây dựng dự kiến hoàn tất tháo dỡ trong quý 3/2020.
Trên địa bàn quận 3 có chung cư 11 Võ Văn Tần xuống cấp trầm trọng, đã di dời hơn 90% hộ dân và lựa chọn được nhà đầu tư, dự kiến sẽ hoàn tất tháo dỡ trong quý 3/2020. Hai chung cư ở quận 4 là chung cư Vĩnh Hội (lô A, B và C) và chung cư 6 Bis Nguyễn Tất Thành cũng đã có kế hoạch tổ chức hội nghị nhà chung cư và đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư, hoàn tất tháo dỡ trong năm 2020.
Đới với các chung cư xuống cấp nhưng sau khi tháo dỡ sẽ không xây lại trên vị trí cũ như chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5), chung cư 119B Tân Hoà Đông (quận 6) hay chung cư 137 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), các hộ dân được di dời đến nơi bố trí tạm cư, tái định cư trong khi chờ cơ quan chức năng duyệt giá bồi thường.
Tháo gỡ vướng mắc
Được bố trí tạm cư tại chung cư CT3 khu tái định cư 243 Tân Hoà Đông, phường 14, quận 6 được gần 2 năm nay, ông Võ Mạnh Hà (cán bộ hưu trí ở quận 6) cho biết, nơi ở mới khang trang, an toàn hơn trước rất nhiều. Hơn 40 năm qua, gia đình ông Hà sống tại chung cư 119B Tân Hoà Đông, đây là chung cư được xây dựng từ năm 1968 và đến nay đã xuất hiện tình trạng nền nhà bị lún, nứt tường và thấm dột.
Vấn đề ông Hà cũng như nhiều hộ dân từng sinh sống tại chung cư 119B Tân Hoà Đông đang quan tâm lúc này là giá bồi thường để có phương án ổn định chỗ ở mới, bởi theo quy hoạch sẽ xây dựng trường học trên nền chung cư cũ.
“Căn hộ trước đây gia đình tôi sinh sống chỉ 40m2, xuống cấp lắm rồi, không biết sẽ sập lúc nào. Được bố trí tạm cư ở căn hộ rộng 56m2, tôi thấy cuộc sống tốt hơn nhiều. Nếu bồi thường theo phương án một mét vuông chỗ cũ đổi một mét vuông chỗ mới và bù thêm tiền tôi cũng chấp nhận”, ông Hà chia sẻ.
Cụm 8 chung cư lô số tại Cư xá Thanh Đa đã có nhà đầu tư nhưng vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến cho hàng ngàn hộ dân tại đây tiếp tục sống trong chung cư xuống cấp. |
Từ khi triển khai chương trình cải tạo chung cư năm 2016 trên địa bàn, đến nay TP.HCM đã cải tạo, sửa chữa 132 chung cư, khởi công xây mới 8 chung cư thay thế chung cư cũ. Trong 989 căn hộ thuộc các chung cư xếp loại nguy hiểm, TP.HCM đã di dời 473 hộ dân. Kế hoạch năm 2020, Thành phố sẽ thực hiện cải tạo, sửa chữa và đâu tư xây mới 172 chung cư, chỉ đạt 73% kế hoạch chương trình.
Có nhiều vướng mắc khiến chương trình cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM kéo dài, chưa đạt kế hoạch, như thiếu sự đồng thuận trong việc di dời; chủ đầu tư mất nhiều thời gian thoả thuận bồi thường, hỗ trợ tái định cư với từng hộ dân; thủ tục hành chính kéo dài…
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, công ty ông tham gia liên danh và được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư và giao làm chủ đầu tư xây mới cụm chung cư ở quận Bình Thạnh từ năm 2010.
Tuy nhiên sự chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 dẫn đến thủ tục công nhận chủ đầu tư bị kéo dài, đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng được.
Một khó khăn nữa khi xây mới chung cư cũ là sự đồng thuận của người dân. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho hay, Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định đối với nhà chung cư xếp loại cấp A, B và C muốn phá dỡ để xây dựng lại phải được tất cả chủ sở hữu thống nhất, điều này rất khó thực hiện.
Theo Chủ tịch HoREA, nghị định này cũng không quy định chỉ tiêu dân số có tính ưu đãi để tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng lại chung cư cũ, tái định cư tại chỗ các hộ dân và có thêm sản phẩm căn hộ để bán thu hồi vốn.
Do đó, ông Châu kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP theo hướng chỉ cần 2/3 hoặc 3/4 chủ sở hữu chung cư đồng thuận thì sẽ tiến hành tháo dỡ chung cư loại A, B và C. Đồng thời, giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chỉ tiêu dân số đối với dự án xây dựng lại chung cư cũ để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Để tháo gỡ những vướng mắc, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng quy định thời điểm tổ chức di dời khẩn cấp đối với chung cư cấp D nguy hiểm theo hướng tổ chức di dời ngay sau khi ban hành kế hoạch di dời khẩn cấp; phối hợp với Bộ TN&MT sớm có ý kiến về trình tự thủ tục thu hồi đất khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ mà Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ chưa đề cập.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ quy định về phương án tái định cư tại chỗ sau khi cải tạo, xây mới chung cư; bổ sung quy định 80% chủ sở hữu nhà chung cư đồng thuận di dời cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Phương Anh Linh