Một số điểm đến rục rịch mở cửa đón khách, các doanh nghiệp lữ hành cũng lên kế hoạch chuẩn bị phục vụ khách nội địa có “thẻ xanh”. Tuy nhiên, các giải pháp đòi hỏi phải rất linh hoạt, đặt an toàn của du khách lên hàng đầu.
Rục rịch mở cửa đón khách
Khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, cùng với tỷ lệ tiêm vắc xin tại các địa phương tăng lên thì việc khôi phục du lịch nội địa trở lại là chuyện một sớm một chiều. Một số điểm đến đã rục rịch mở cửa đón khách, các doanh nghiệp lữ hành cũng chuẩn bị kế hoạch phục vụ khách nội địa có “thẻ xanh”.
Mới đây nhất, Khánh Hóa thông báo sẽ đón khách du lịch từ 15/10. Sở Du lịch Khánh Hòa cho hay, quy trình đón khách chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn một, ưu tiên kích cầu du lịch nội tỉnh, với khẩu hiệu “người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa”; giai đoạn hai sẽ mở rộng ra các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên,... và dần thu hút khách ở các khu vực trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM.
Giai đoạn ba, Khánh Hòa sẽ thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin, sau khi kế hoạch và quy trình đón khách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh kỳ vọng tháng 12 tới sẽ đón được những vị khách quốc tế đầu tiên đến 12 cơ sở du lịch tại phía Bắc bán đảo Cam Ranh.
Khánh Hòa sẽ thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin từ tháng 12 (ảnh minh họa) |
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh, trên cổng thông tin Khánh Hòa, cho biết, trước mắt địa phương sẽ ưu tiên khôi phục du lịch nghỉ dưỡng biển, cách ly, chơi golf, ít di chuyển nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch bệnh; sử dụng các khu du lịch ven biển có tính biệt lập để đón khách du lịch nội địa.
Tỉnh cũng đồng ý chủ trương cho ba đơn vị là Vinpearl, Vietjet Air và Vietravel thí điểm đón khách quốc tế đến Khánh Hòa, trước mắt là các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, nghỉ dưỡng.
Trước đó, một số địa phương khác cũng lên kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch. Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận cho phép các khách sạn, resort đón khách có xét nghiệm âm tính. Khách trước mắt là các đoàn công tác, chuyên gia và người làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dự án từ các tỉnh, thành phố khác đến tỉnh lưu trú.
Các cơ sở lưu trú và điểm tham quan trên địa bàn tỉnh được mở cửa phục hồi theo điều kiện lộ trình, cấp độ dịch. Cùng với những biện pháp an toàn đang được xây dựng, địa phương cũng đang tính mở cửa đón khách du lịch.
Bà Rịa - Vũng Tàu vừa đề xuất cho người dân và du khách tắm biển theo khung giờ nhất định 5h-7h hàng ngày, bắt đầu từ tháng 11. Trước đó, tỉnh cho phép thí điểm mở lại hoạt động du lịch ở các huyện "vùng xanh". Các khách sạn có dịch vụ khép kín, có phương án đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch là Melia Hồ Tràm, Hồ Tràm Strip, Suối nước nóng Bình Châu và Six Senses Côn Đảo được đón khách nội địa từ 15/9, theo tour khép kín. Khách phải được tiêm vắc xin, xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Sau khi 90% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin, TP. Hạ Long, Quảng Ninh đã cho phép mở lại các bãi tắm và một số hoạt động thể dục thể thao từ trưa 19/9. Các hoạt động vui Tết Trung thu cũng được phép tổ chức.
Các tỉnh Vĩnh Phúc, Lâm Đồng cũng quyết định nới lỏng nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Các điểm du lịch, nhà hàng, sân golf,... được mở cửa nhưng không hoạt động quá 50% công suất, chỉ đón khách trong tỉnh.
Du lịch nội địa khó có thể phục hồi như tháng 7-8/2020 (ảnh minh họa) |
Cần giải pháp linh hoạt
Theo các doanh nghiệp lữ hành, việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế tới Phú Quốc, nếu thành công, sẽ mở ra cơ hội cho hàng loạt điểm du lịch khác trong cả nước như Đà Lạt, Hạ Long, Nha Trang, Cát Bà, Hội An,... Không chỉ khách Tây, mà quan trọng hơn cả là từng bước kích cầu, phục hồi du lịch nội địa.
Bởi, ngay tại Phú Quốc, ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CEO, cho rằng, đảo Ngọc vẫn phụ thuộc rất lớn vào khách nội địa, vốn chiếm tới 70% lượng khách đến Phú Quốc những năm qua. Hơn nữa, việc thí điểm đón khách quốc tế trong vòng 6 tháng, với số lượng 2.000-3.000 lượt người từng giai đoạn, so với hạ tầng của đảo thì không thấm vào đâu cả. Chỉ có thể áp dụng với khách du lịch nội địa với “thẻ xanh” mới giải tỏa được cơn khát, ông nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm trực tuyến “Hộ chiếu vắc xin và cơ hội kích cầu cho ngành hàng không, du lịch và dịch vụ” mới đây, ông Nguyễn Khắc Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, Tổng giám đốc Vina Phú Quốc Travel, đánh giá, hộ chiếu vắc xin là bình ô xy giúp các DN hồi tỉnh, nhưng nguồn khách nội địa rất lớn là liều thuốc tốt giúp ngành du lịch trong nước hồi phục.
Tuy nhiên, với xu thế hiện tại thì khách muốn đi rất nhiều nhưng quyết định còn phụ thuộc vào tình hình tài chính và điều kiện an toàn để đi. Sẽ rất khó có đợt du khách đi ồn ào, ồ ạt như hồi tháng 7-8/2020, bởi tình hình bây giờ có rất nhiều thay đổi.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho rằng, với tính chất của đợt dịch lần thứ tư, khi chủng Delta khiến dịch lây lan nhanh như hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm ra các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn cho du khách, người dân tại điểm đến. Đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Nhưng, các giải pháp này lại đòi hỏi phải rất linh hoạt, thay đổi thường xuyên theo diễn biến của dịch bệnh.
Hiện tại, theo ông Thắng, chúng ta không thể phát triển du lịch kiểu đại trà như trước nữa, mà phải trong khuôn khổ nhất định. Khách du lịch cũng khó đi tự do được, ở đây vai trò của doanh nghiệp lữ hành là rất lớn.
Để chuẩn bị đón khách nội địa có “thẻ xanh”, các đơn vị lữ hành ngoài việc chuẩn bị, lên kế hoạch cho mình vẫn đang trông đợi vào độ phủ của vắc xin trên diện rộng và một lộ trình, kế hoạch rõ ràng, cụ thể của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, giúp các doanh nghiệp và du khách không bị động; có giải pháp ứng phó rõ ràng trong từng tình huống.
Bảo An