Với tinh thần giao thông đi trước mở đường, tỉnh miền núi Sơn La đã tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Các công trình giao thông trọng điểm khi hoàn thành, sẽ tạo “cú hích” cho địa phương kết nối liên vùng để bứt phá.
Về nội dung này, phóng viên VOV Cơ quan Thường trú Tây Bắc có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, nếu sớm hoàn tất các thủ tục thì cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu sẽ được khởi công vào ngày 19/5 năm nay
PV: Năm 2022 có thể coi là một năm bứt phá về hạ tầng giao thông của tỉnh Sơn La. Ông có thể cho biết những dự án giao thông trọng điểm đã, đang được địa phương triển khai cụ thể như thế nào?
Ông Lê Hồng Minh: Trước hết phải kể đến là Sơn La đã vừa tổ chức khánh thành tuyến đường tránh Quốc lộ 6 TP Sơn La. Dự án này có tổng chiều dài 19,5km. Thứ 2 là tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đây là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách các dự án trọng điểm quốc gia.
Tại Quyết định số 456 ngày 14/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho phép chuyển từ hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP sang hình thức đầu tư công. Hiện nay, tỉnh Sơn La đã chủ động thực hiện các bước lập dự án đầu tư, khảo sát địa chất địa hình và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện sơ bộ về công tác thống kê kiểm đếm, giải phóng mặt bằng và xây dựng các điểm tái định cư…
Việc đầu tư sân bay Nà Sản không chỉ phục vụ cự ly bay ngắn từ Sơn La về Hà Nội như trước đây.
Dự án lớn thứ 3 là Cảng hàng không Nà Sản, theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, sẽ giao cho tỉnh Sơn La là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đề xuất triển khai dự án này đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Đến nay, tỉnh Sơn La đã thành lập Tổ công tác do 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; đồng thời đã lập Đề án xã hội hóa để thực hiện theo hình thức PPP và xin ý kiến Tổ công tác của Chính phủ, cũng như báo cáo Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện Đề án.
PV: Được biết, quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án lớn như cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu và Cảng hàng không Nà Sản gặp không ít khó khăn. Ông có thể chia sẻ khó khăn lớn nhất trong triển khai các dự án này là gì?
Ông Lê Hồng Minh: Băn khoăn, khó khăn nhất tỉnh đang phải kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ là giải quyết vấn đề cơ chế, vì Luật hiện nay chưa có quy định về phân cấp, ủy quyền cho các địa phương làm cơ quan chủ quản để thực hiện các dự án, nhất là các dự án quốc lộ, cao tốc, cảng hàng không…
Theo quy định hiện hành, sân bay phải thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư; cao tốc và các tuyến đường bộ thì do Bộ Giao thông – Vận tải quản lý… Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu phát triển thì các Bộ, ngành đã họp, thống nhất là đề xuất Chính phủ giao cho tỉnh Sơn La làm cơ quan chủ quản để thực hiện dự án.
Cắt băng khánh thành tuyến tránh TP Sơn La.
PV: Đầu tư đường cao tốc hay cảng hàng không ở các tỉnh đồng bằng đã khó, triển khai ở các tỉnh miền núi sẽ càng khó khăn bởi mức đòi hỏi mức đầu tư lớn hơn. Vậy nguồn lực phục vụ 2 dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu và Cảng hàng không Nà Sản đến nay đã được chuẩn bị như thế nào?
Ông Lê Hồng Minh: Về nguồn lực cho tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu Chính phủ đã dự kiến phân bổ cho tỉnh Sơn La 1.700 tỷ đồng; vốn dư của năm 2019 cũng đã phân bổ cho dự án đường cao tốc này 100 tỷ; tỉnh Sơn La cũng đã có Nghị quyết dự kiến bố trí 1.560 tỷ nữa để đầu tư cho tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu thuộc địa phận tỉnh Sơn La.
Về Cảng hàng không hiện đang xác định thực hiện theo hình thức PPP, vì vậy nguồn lực sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Hiện nay cũng đã có một số nhà đầu tư lớn có tiềm lực quan tâm, như Tập đoàn Him Lam đã quan tâm nghiên cứu và đang cùng với tỉnh xây dựng đề án và sẽ nghiên cứu đầu tư Cảng hàng không này đối với hệ thống đường cất cánh, hạ cánh và nhà ga; Còn các hệ thống điều hành bay thì sẽ do Tổng Công ty Bay Việt Nam đầu tư.
PV: Thời gian qua, dư luận cũng quan tâm việc Sơn La đề xuất xây thêm 1 sân bay nữa ở Mộc Châu. Vậy cụ thể dự án này như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Hồng Minh: Điều này tỉnh cũng thông tin rõ hơn vì vừa qua có nhiều luồng thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư. Tỉnh Sơn La khẳng định, qua rà soát quy hoạch hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai và báo cáo với Bộ Giao thông – Vận tải và Chính phủ là ưu tiên bổ sung duy nhất Cảng hàng không Nà Sản vào hệ thống Cảng hàng không Quốc gia, giai đoạn 2021 – 2030.
Còn sân bay Mộc Châu, tỉnh Sơn La sẽ đưa vào quy hoạch tỉnh ở cấp độ sân bay chuyên dùng - tức là sân bay du lịch mà không phải cấp 4C, 4E như Cảng hàng không Nà Sản đang dự kiến đầu tư. Tỉnh Sơn La cũng sẽ kêu gọi đầu tư sân bay Mộc Châu vào thời điểm thích hợp nhưng xin nhắc lại là sân bay chuyên dùng, tức là sân bay du lịch.
Tuyến tránh thành phố Sơn La, với tổng mức đầu từ hơn 500 tỷ đồng vừa chính thức thông xe vào sáng 6/1/2023; được kỳ vọng là “đường băng” mới, kết nối, thúc đẩy phát triển của tỉnh Sơn La và các tỉnh miền núi phía Bắc.
PV: Dự kiến khi nào 2 dự án trọng điểm là cảng hàng không Nà Sản và cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu sẽ được khởi công, thưa ông?
Ông Lê Hồng Minh: Gần đây nhất, vào ngày 14/12/2022, Bộ Giao thông – Vận tải tiếp tục chủ trì một cuộc họp với các Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Tư Pháp, Xây dựng và tỉnh Sơn La để cùng rà soát các quy định về Luật liên quan. Cơ bản các Bộ, ngành vẫn thống nhất là đề xuất với Chính phủ giao cho tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Nếu được Thủ tướng Chính phủ quyết định sớm và theo đúng kế hoạch của Ban chỉ đạo xây dựng tuyến cao tốc của tỉnh, tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu sẽ được khởi công vào khoảng ngày 19/5 năm nay.
Còn riêng sân bay Nà Sản sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Quy hoạch của Chính phủ về hệ thống Cảng hàng không Quốc gia, vì vậy Sơn La chưa thể ấn định về thời gian khởi công. Tỉnh Sơn La cũng tin tưởng với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương, của Chính phủ, các dự án trọng điểm, nhất là các dự án giao thông trọng điểm quốc gia sẽ sớm được triển khai.
PV: Xin cảm ơn ông. Chúc cho các dự án sẽ được triển khai thuận lợi, đúng kế hoạch, qua đó sẽ tạo cú hích để Sơn La và các địa phương Tây Bắc phát triển hơn nữa.