Kể từ đầu năm 2018, Mỹ đã chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán thay thế trong cơ quan phúc thẩm gồm 7 thành viên của WTO với cáo buộc cơ quan này đã vượt quá quyền hạn trong một số quyết định. Việc này đã dẫn đến 4 vị trí bị bỏ trống, và vào ngày 10/12 tới, nhiệm kỳ của 2 trong số 3 thẩm phán còn lại sẽ hết hạn. Trong khi đó hiệp định WTO yêu cầu cơ quan này phải có tối thiểu 3 thẩm phán, vì vậy trừ khi có điều gì xảy ra trước đó, sau thời điểm trên, cơ quan này sẽ không thể giải quyết các tranh chấp thương mại.
Các quy tắc của WTO hiện đang là nền móng cho 96% hoạt động thương mại toàn cầu. Theo ước tính mới nhất, WTO đã thúc đẩy tới 171% hoạt động thương mại giữa các thành viên. Khi iPhone được chuyển từ Trung Quốc về Mỹ hay những chai rượu whisky được chuyển từ EU đến Ấn Độ, chính những quy tắc của WTO giữ cho mức thuế cũng như các rào cản phi thuế quan ở mức thấp, đem đến cho các công ty sự chắc chắn – thứ mà họ rất cần để yên tâm tái đầu tư và lên kế hoạch sản xuất.
Hầu hết các quốc gia thành viên đều tuân thủ các quy tắc mà WTO đề ra. Tuy nhiên, nếu 1 thành viên cảm thấy nước khác phạm luật, thay vì tranh cãi với nhau thì có thể nộp đơn kiện lên WTO. Nếu không hài lòng với phán quyết của WTO thì có thể nộp đơn phúc thẩm và phán quyết của tòa phúc thẩm có hiệu lực rất cao. Nếu bên thua không tuân thủ theo phán quyết, bên thắng có thể áp thuế lên lượng hàng hóa mà tương đương với mức thiệt hại mà thẩm phán nghĩ là việc phạm luật gây ra.
Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Donald Trump phế bỏ những trọng tài không phải là người Mỹ của WTO, bởi ông thường không thích các quy tắc đa phương. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. WTO phải đối mặt với tương lai bất định là do sự đổ vỡ niềm tin về cách vận hành luật lệ quốc tế và cả sự thất bại của chính WTO trong việc đàm phán.
WTO đã làm người Mỹ phật lòng. Mỹ có một số chiến thắng tại tòa án WTO như thắng EU về vấn đề trợ cấp cho Airbus, thắng Trung Quốc về chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, ăn cắp tài sản trí tuệ hay về chính sách kiểm soát xuất khẩu đất hiếm. Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ Mỹ bị thua.
Mặc dù các đời Tổng thống trước có phàn nàn về WTO và thỉnh thoảng can thiệp vào quy trình bổ nhiệm thẩm phán, chính quyền Trump đã đi xa hơn rất nhiều. Các quan chức Mỹ phàn nàn rằng quá trình giải quyết tranh chấp thường kéo dài quá lâu so với thời hạn tối đa 90 ngày đã đề ra, và quan trọng hơn là cơ quan phúc thẩm thường đưa ra những phán quyết vượt ngoài thẩm quyền so với những gì mà các thành viên đã quy ước. Mỹ cũng cho rằng họ nhận được quá ít sự hỗ trợ từ WTO khi tố cáo Trung Quốc vi phạm quy tắc thương mại quốc tế.
Một trong những thành tựu lớn nhất của WTO là thuyết phục được đông đảo quốc gia ký vào quy tắc. Tuy nhiên một cách để các nhà đàm phán đạt được điều này là họ đưa ra các quy tắc mơ hồ với ngôn ngữ nhập nhằng nước đôi.
Các luật sư thương mại của Mỹ sẵn sàng xóa bỏ tòa phúc thẩm có quan điểm khác biệt hoàn toàn với các luật sư của châu Âu về vấn đề luật pháp quốc tế. Trong khi các luật sư Mỹ cho rằng chỉ có thể ép buộc thực thi các luật lệ nếu chúng hoàn toàn rõ ràng, những đồng nghiệp của họ ở châu Âu lại cảm thấy thoải mái với những quy tắc mập mờ.
Khả năng đàm phán của WTO đã đổ vỡ từ nhiều năm nay. Với số thành viên hiện tại là 164, WTO khó đi đến sự đồng thuận hơn. Mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết, và thái độ bất mãn đối với tòa phúc thẩm ngày càng tăng.
Trong bối cảnh hiện tại, khi mà chính quyền Trump đã phớt lờ WTO và tấn công thẳng vào Trung Quốc, có lẽ Mỹ không còn cần đến WTO. Hôm 26/11, Mỹ còn đề xuất ngừng chi trả cho các thẩm phán của tòa phúc thẩm.
Trong số 163 thành viên còn lại, 117 thành viên đã ký vào bức thư kêu gọi Mỹ tháo gỡ thế bế tắc hiện nay. Mặc dù Mỹ là nước sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp nhiều nhất, các nước khác cũng sẽ cảm thấy trống vắng. Một số đã bắt đầu chuẩn bị cho tương lai không có WTO. EU, Canada và Na Uy đã thống nhất về cơ chế trọng tài lâm thời, trong đó sẽ sử dụng các thẩm phán đã nghỉ hưu của tòa phúc thẩm WTO. Và EU cũng đang tăng cường thúc đẩy cơ chế xét xử của riêng mình.
Tất cả những điều này có nghĩa là thương mại toàn cầu sẽ trở nên khó đoán và các vụ tranh chấp sẽ diễn ra nhiều hơn. Không có tòa phúc thẩm của WTO, tranh chấp giữa các thành viên lớn nhất có thể leo thang nhnah chóng. Dưới thời GATT, Mỹ đóng vai trò như "cảnh sát toàn cầu", nhưng điều đó chắc chắn sẽ không lặp lại.
Những năm 1980, không nước nào cảm thấy thoải mái với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Nhưng ít nhất thì khi đó "chú Sam" có thể đảm đương nhiều trọng trách hơn. Giờ thì câu chuyện đã khác.
Tham khảo The Economist