Khi được hỏi vì sao việc thu phí trái phép của khách hàng tại tổ chức tín dụng này kéo dài như vậy nhưng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hưng Yên không biết, ông Thu nói ông mới nhận nhiệm vụ giám đốc 2 năm nay nên ông không nắm được . “Năm nay Ngân hàng Nhà nước không thanh tra mà kiểm toán nhà nước vào đơn vị này để kiểm toán”- ông Thu nói. Về việc báo chí đăng tải, ông Thu cho biết sẽ xem xét, kiểm tra để hồi âm cho báo chí . “Chi nhánh ngân hàng nhà nước quản lý trên địa bàn sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá việc này và sau đó sẽ làm việc với báo Tiền Phong”, ông Thu nói.
Trụ sở Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Hưng Yên tại Thị xã Hưng Yên
Cũng trong chiều 7/12, phóng viên đề nghị được làm việc với ông Trần Quang Khánh- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Hợp tác, tuy nhiên ông Khánh cho biết đang đi công tác nên không thể trao đổi.
Trước đó, trong quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên từng được ông Khánh đồng ý cử bộ phận chức năng làm việc với phóng viên để tiếp nhận thông tin nhưng sau đó ông đổi ý và yêu cầu phóng viên “hãy cứ làm việc với chi nhánh Hưng Yên đã, có gì làm việc với ngân hàng sau”.
Ở một diễn biến khác, theo dõi vụ việc trên Tiền Phong, luật sư Hoàng Văn Hướng- Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Giảng viên Thỉnh giảng tại Học viện Tư pháp cho biết, vụ việc vi phạm pháp luật này có dấu hiệu hình sự . “Nếu đúng như báo chí thông tin thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, thời gian thực hiện kéo dài, số tiền thu được lớn . Cơ quan điều tra sở tại cần vào cuộc để xác minh. Theo quy định của Bộ Luật tố tụng Hình sự, thông tin trên báo chí là tin báo tội phạm, vì vậy nó cần phải được giải quyết theo quy định của tố tụng hình sự”- luật sư Hướng nói.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, từ năm 2011, tại Ngân hàng hợp tác Chi nhánh Hưng Yên đã thu phí ngoài khoản vay trái với quy định tại Thông tư 05. Mức thu (theo tỷ lệ phần trăm trên tổng tiền số vay) mà ngân hàng áp dụng cũng tuỳ tiện theo từng thời điểm. Sau đó số tiền này được các phòng giao dịch chuyển cho chi nhánh qua một tài khoản chuyển tiền riêng (có ghi tên người nhận là một số cá nhân là cán bộ của Chi nhánh). Tính theo tổng dư nợ hàng năm (trung bình một phòng giao dịch khoảng 80 tỷ đồng/năm) thì số tiền chiếm hưởng trái quy định từ khách hàng của chi nhánh này có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Dư luận đang đặt câu hỏi số tiền lớn có được do thu phí trái phép từ khách hàng vay do ai chiếm hưởng ? Lãnh đạo của Ngân hàng hợp tác có biết việc này không? Vì sao phía ngân hàng nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước của chi nhánh ngân hàng này không hề biết việc thu phí trái phép nói trên .