Nhiều địa phương, hiệp hội, bộ, ngành… gần đây liên tiếp kiến nghị Chính phủ tiếp tục miễn thị thực (visa) cho công dân năm nước châu Âu là Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Lý do là đến ngày 30-6-2018 chính sách miễn thị thực cho năm quốc gia này sẽ hết hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa biết Chính phủ có tiếp tục gia hạn hay không. Thậm chí đang lan truyền thông tin sẽ xóa bỏ miễn thị thực cho năm thị trường này.
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Kenneth Atkinson, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (VN) - TAB (ảnh), xung quanh vấn đề trên.
Đừng tước bỏ vũ khí cạnh tranh của du lịch
. Phóng viên: TAB vừa kiến nghị Thủ tướng về chính sách miễn visa cho khách du lịch quốc tế đến VN. Là người đã trực tiếp soạn thảo văn bản kiến nghị, ông có thể cho biết cụ thể đề xuất này là gì?
+ Ông Kenneth Atkinson: Chính xác là chúng tôi đã đề nghị Chính phủ gia hạn chương trình miễn thị thực hiện tại đang có, đặc biệt là với năm quốc gia châu Âu gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh. Ngoài ra, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ áp dụng chương trình miễn thị thực năm năm hoặc 10 năm, thay vì gia hạn từng năm để tránh sự xáo trộn cho du khách và công ty du lịch.
Cần thông thoáng về visa để khách quốc tế đến Việt Nam. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan và mua sắm tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian miễn thị thực từ 15 ngày hiện nay lên thành 30 ngày. Đặc biệt, bãi bỏ quy định “mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi VN lần trước ít nhất là 30 ngày” vì không hợp lý.
. Vì sao TAB đề xuất Chính phủ như trên, thưa ông?
+ Hội đồng Du lịch Thế giới đã chỉ rõ: Việc tạo điều kiện thuận lợi thị thực sẽ làm tăng lượng khách quốc tế đến ít nhất 8%-10%. Trên thực tế, sau khi VN miễn thị thực cho năm quốc gia châu Âu, lượng khách hằng năm tăng trung bình trên 20%.
Hơn nữa, khách du lịch từ châu Âu lưu trú trung bình 15 ngày hoặc dài hơn và chi tiêu trực tiếp bình quân của mỗi du khách nằm trong khoảng 1.400-1.600 USD.
Thêm nữa, chúng tôi nhận thấy không có lợi ích hay giá trị gì trong việc hạn chế khách du lịch quay trở lại VN trong vòng 30 ngày. Thậm chí rào cản này nên được dỡ bỏ để khuyến khích khách du lịch đi bằng đường hàng không lựa chọn VN như là một trung tâm trung chuyển trong chuyến bay đến châu Âu và Úc.
Thế nhưng điều nghịch lý là gần đây chúng tôi nắm được thông tin đang có một cuộc thảo luận về visa. Trong đó có ý kiến đề xuất xóa bỏ chính sách miễn thị thực đang áp dụng cho các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… và năm nước châu Âu nói trên.
Chúng tôi đều tin rằng sẽ là thảm họa cho cả ngành du lịch và ngành hàng không nếu đề xuất trên được thực hiện.
. Ông có thể nói rõ hơn thảm họa đó là gì?
+ Nếu chương trình miễn thị thực không được gia hạn, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến số khách du lịch đến từ những quốc gia được miễn thị thực, là các nước có khách du lịch quốc tế chi tiêu cao.
Tất nhiên là có lập luận cho rằng công cụ thị thực điện tử sẽ làm cho việc cấp thị thực điện tử cho mọi đối tượng dễ dàng hơn và vì thế sẽ giảm bớt nhu cầu xin miễn thị thực. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, đây là cách tiếp cận thiển cận, chỉ mang lại lợi ích cục bộ.
Bởi như tôi đã nói là có thể dễ dàng chứng minh rằng nguồn thu tăng lên do sự gia tăng số lượng khách quốc tế đến vượt xa mức giảm thu do miễn phí visa . Thực tế mỗi du khách đến VN thì từ công ty du lịch, quán ăn, khách sạn, nhà hàng, vận tải đến cả gánh hàng rong… cũng được lợi.
Tháo gỡ nút thắt để không thua xa các nước
. Du khách than phiền mất nhiều thời gian để làm được thị thực vì thủ tục phức tạp, đồng thời chi phí làm thị thực trực tuyến ở Việt Nam cao. Đây có là vấn đề cần xem xét lại không, thưa ông?
+ Việc áp dụng thị thực điện tử (e-Visa) là một bước tiến quan trọng và chúng tôi hoan nghênh. Tuy nhiên, tốc độ truy cập vào trang thị thực điện tử hiện nay là chậm. Bên cạnh đó, đối với khách du lịch, đặc biệt là các gia đình, việc đăng ký thị thực trực tuyến vừa mất thời gian vừa tốn kém vì phí làm thị thực cho một gia đình bốn người tương đương với chi phí cho một hoặc hai đêm lưu trú thêm ở các điểm đến như Thái Lan, Malaysia, Campuchia hoặc Lào.
Điều này không khuyến khích khách quay trở lại. Họ có thể sẽ chọn việc quay trở lại hoặc tham quan các điểm đến khác được miễn thị thực.
. Có ý kiến nhận xét so với các nước trong khu vực thì chính sách visa của VN không có sức cạnh tranh và kém hấp dẫn?
+ Hiện nay, với chỉ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn thị thực, VN đang tụt lại phía sau hầu hết quốc gia ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines, nơi mỗi nước miễn thị thực cho hơn 160 quốc gia cho dù không phải tất cả các nước áp dụng miễn thị thực song phương. Ví dụ, Philippines đã miễn thị thực cho 165 nước, Malaysia cho 164 nước, Singapore mở cửa cho gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Họ làm vậy vì nhận thấy những lợi ích quan trọng của việc tạo thuận lợi cho thị thực trong thị trường cạnh tranh.
. TAB có kỳ vọng các đề xuất này được Chính phủ lắng nghe và cải thiện trong thời gian tới?
+ Nghị quyết 08-NQ/TW đã định rõ là đến năm 2020 ngành du lịch sẽ phải đạt được mục tiêu đón khoảng 18,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế với giá trị xuất khẩu thông qua du lịch là 20 tỉ USD.
Giải pháp đơn giản nhất để đạt được mục tiêu này là có một chính sách hỗ trợ và cởi mở hướng tới khách du lịch từ những thị trường chi trả cao. Do vậy, chúng tôi hy vọng rằng các khuyến nghị của chúng tôi sẽ được lắng nghe, theo tinh thần mà Chính phủ đã tuyên bố là một chính phủ kiến tạo.
. Xin cám ơn ông.
Chi phí xin visa vào VN hiện nay thấp nhất là 25 USD. Như vậy, với khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế đến nước ta năm 2017, số tiền thu từ khoản này không lớn. Trong khi lo ngại giảm nguồn thu này là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến VN lưỡng lự, thậm chí rất khắt khe trong việc miễn visa cho du khách quốc tế.
____________________________
Xếp hạng thấp về thị thực
Năm 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công bố VN xếp hạng 116/136 quốc gia và đạt 17/100 điểm khi đo lường các yêu cầu về thị thực. Trong khu vực ASEAN, VN đứng thứ hạng thấp nhất với chỉ 24 quốc gia được miễn thị thực (ngoại trừ Campuchia, Lào và Myanmar. Tuy nhiên, các nước này đã phát triển hệ thống cấp thị thực tại cửa khẩu rất hiệu quả).
Bên cạnh đó, trong khi khách du lịch đến các nước thường được miễn thị thực trong vòng 30 ngày thì VN chủ yếu miễn thị thực cho khách du lịch chỉ trong 15 ngày và không cho phép khách đã được miễn thị thực quay trở lại trong vòng 30 ngày.