Sẽ “mạnh tay” mua - bán nợ theo giá thị trường

20/02/2019 16:06
Sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào năm 2022, cần phải có “cây gậy” để thay thế hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng...



Thu hồi gần như toàn bộ số nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường (GTTT) và xử lý hơn 48 nghìn tỷ đồng nợ xấu mua về… là những kết quả hoạt động nổi bật của VAMC trong năm 2018. Vậy, VAMC sẽ đặt ra mục tiêu gì tiếp theo trong năm 2019 và cơ quan này có những giải pháp gì để hiện thực hoá những mục tiêu này? Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông để có thông tin tổng quát phác họa bức tranh hoạt động của cơ quan này trong năm 2019.

Sẽ “mạnh tay” mua - bán nợ theo giá thị trường - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông


Ông có thể điểm qua những kết quả đáng chú ý hoạt động trong năm 2018?

Các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trong năm 2018 về cơ bản đều hoàn thành. Cụ thể, trong năm 2018, VAMC đã triển khai, hoàn thành việc rà soát, phân loại và dự kiến biện pháp xử lý đối với các khoản nợ có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên của 334 TCTD với 1.479 khách hàng; xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của 877 khách hàng với 99.694 tỷ đồng dư nợ gốc, tổng giá trị TSBĐ là 148.450 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản nợ xấu đã mua được VAMC xử lý đạt 48.035 tỷ đồng dư nợ gốc, vượt 39% kế hoạch NHNN giao, tăng gấp 2 lần so với năm 2017. Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017 và 2018 khá cao đạt 68.103 tỷ đồng, bằng gần 50% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến nay.

VAMC cũng đã chủ động phối hợp với TCTD bước đầu triển khai có hiệu quả các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 như tích cực thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu, mua bán nợ theo GTTT... Hiện tại, VAMC vẫn còn khoảng 106 nghìn tỷ đồng nợ xấu VAMC mua từ TCTD cần phải xử lý. Trong năm 2019, chúng tôi đặt mục tiêu xử lý nợ xấu với dư nợ gốc khoảng 50 nghìn tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020 xử lý căn bản khoảng 90% số nợ xấu đã mua về. Với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay VAMC có thể về đích trước hạn.

Vậy còn mục tiêu mua nợ theo GTTT thì sao, thưa ông?

Mặc dù năm ngoái mục tiêu mua nợ theo GTTT chưa được như kỳ vọng; nhưng năm nay, VAMC sẽ xử lý mạnh hơn. Nguyên nhân chính dẫn đến việc VAMC không mua được nhiều nợ theo GTTT là do thiếu vốn. Nhưng năm nay, tôi được biết, rất có thể ngay trong quý I/2019, VAMC được tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng theo lộ trình tăng vốn tại Đề án 1058.

Do đó, chúng tôi mạnh dạn đặt mục tiêu mua nợ theo GTTT khoảng 4.000 tỷ đồng. Nếu theo đúng kế hoạch cấp vốn, ngoài thanh toán nốt phần còn lại của hợp đồng mua trả chậm từ năm 2018, VAMC có thể mua ngay trong quý I/2019 khoảng 1.500 tỷ đồng nợ xấu theo GTTT.

Sẽ “mạnh tay” mua - bán nợ theo giá thị trường - Ảnh 2.

Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã giảm về còn 1,89%


Năm 2018, VAMC mua được xấp xỉ 3.000 tỷ đồng nợ theo GTTT. Liệu, mục tiêu 4.000 tỷ đồng trong năm 2019 có khả thi?

Nếu tăng vốn kịp thời, mục tiêu 4.000 tỷ đồng hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí hoàn thành sớm và vượt mục tiêu đặt ra. Như nói ở trên, hiện một trong những nguyên nhân chính khiến VAMC không mua được nhiều nợ theo GTTT là do vốn chưa được bổ sung kịp thời.

Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn còn vướng khoảng 500 tỷ đồng đến hạn cần phải thanh toán từ hợp đồng mua nợ trả chậm trong năm 2018 nhưng chưa có vốn để trả. Thực tế không phải là VAMC không thể thanh toán được cho TCTD, nhưng để có tiền trả nợ thì phải xử lý rất gấp khoản nợ nào đó đã mua về. Đương nhiên với những khoản xử lý gấp như vậy, giá trị thu về không được cao.

Mặc dù VAMC vẫn có thể ký kết mua theo hình thức trả chậm trong thời gian chờ vốn, nhưng nếu cứ mua theo hình thức trả chậm như vậy, VAMC cũng sẽ mất khách. Vì mua bán nợ theo GTTT phải bằng “tiền tươi thóc thật”. Còn nếu mua theo hình thức trả chậm, các TCTD lại phải đợi chúng tôi xử lý xong mới có tiền để trả. Như vậy, chắc chắn sau này các TCTD sẽ không mặn mà bán nợ cho VAMC nữa.

Cùng với việc được bổ sung thêm vốn, VAMC đã, đang và sẽ triển khai những bước quan trọng tiếp theo để hình thành thị trường mua bán nợ tập trung. Đầu tháng 4/2019 tới đây, VAMC sẽ thực hiện ký kết hợp tác với Công ty Kamco của Hàn Quốc. Mục tiêu mà VAMC hướng tới khi ký kết với Kamco là mong muốn phía Kamco hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả mà họ đã trải qua.

Ngoài sự hỗ trợ từ đối tác, chúng tôi có thể  thuê họ tư vấn sâu hơn cách thức hình thành thị trường mua bán nợ tập trung trên cơ sở dữ liệu đầu vào hiện có của Việt Nam. Mục tiêu nữa mà chúng tôi hướng tới là Kamco tham gia trực tiếp xử lý, mua nợ xấu của các TCTD Việt Nam.

Đó là những mong muốn mà chúng tôi kỳ vọng từ việc ký hợp tác, còn tương lai ra sao thì còn phụ thuộc “khẩu vị” của hai bên có phù hợp không. Từ đó mới đưa ra giải pháp, lộ trình cụ thể, cách thức tham gia... Điều quan trọng từ bản hợp tác này, theo tôi đó là VAMC sẽ học hỏi được kinh nghiệm của các công ty có tiếng của thế giới đã hoạt động tốt, hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu để có thể áp dụng tại Việt Nam. Ngoài tận dụng kinh nghiệm quản lý, chúng tôi còn có thể tận dụng thêm các nguồn lực khác.

Nhưng để lộ trình xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả hơn, tôi cho rằng, song song thúc đẩy thị trường mua bán nợ tập trung, đến cuối năm 2019 phải đánh giá lại 2 năm triển khai Nghị quyết 42 đã đạt được mặt tích cực gì, những hạn chế vướng mắc trong thực tiễn để tính đến việc luật hóa xử lý nợ xấu.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Tôi cho rằng, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào năm 2022, cần phải có “cây gậy” để thay thế hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Do vậy, đến cuối năm 2019 phải tổng kết kết quả những mặt được và chưa được của Nghị quyết 42, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Luật xử lý riêng nợ xấu. Việc này cần phải làm việc ngay trong năm 2019, bởi bạn biết rằng, để thông qua luật không thể trong vòng 6 tháng hay 1 năm mà phải đưa ra lấy ý kiến, bàn thảo trên Nghị trường Quốc hội phải qua 2-3 kỳ mới có thể thông qua. Hy vọng đến năm 2022, Luật xử lý nợ xấu được chính thức ban hành kịp thay thế Nghị quyết 42.

Hiện tại, VAMC cũng như TCTD đang gặp một số vướng mắc trong quá trình triển khai theo Nghị quyết 42. Mà những vướng mắc này cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan mới có thể tháo gỡ được.

Đơn cử, việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn rất hạn chế, thứ tự ưu tiên xử lý trong vụ việc có nhiều tài sản thi hành án được hiểu và áp dụng khác nhau. Trong chuyển nhượng dự án bất động sản cũng gặp vướng mắc. Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương vẫn chưa đồng đều do cách hiểu khác nhau. Nên có nơi hỗ trợ rất tốt, nhưng có nơi vẫn chưa tích cực...

Giải quyết những vấn đề lớn này cần sự vào cuộc chung của toàn hệ thống cùng chung tay tháo gỡ khó khăn đó, chỉnh sửa cho kịp thời các quy định được đặt ra như Bộ Tài chính có quy định cụ thể về nghĩa vụ thuế như thế nào, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn chuyển nhượng dự án bất động sản ra sao...

Đối với những vấn đề trên, Thống đốc NHNN đã yêu cầu VAMC tập hợp lại tất cả những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 để sớm báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tại cuộc họp ban chỉ đạo tái cơ cấu nợ xấu. Bởi các thành viên bộ, ngành liên quan đều là thành viên của Ban chỉ đạo.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
3 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
2 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
2 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
51 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
43 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
12 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.