Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ trở thành thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Về phương hướng, nghị quyết yêu cầu phải đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ về sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế.
Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tập trung phát triển văn hóa thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho thủ đô.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu Hà Nội phải tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị... Ngoài ra, Hà Nội phải có các cơ chế, chính sách để ưu đãi, thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, Nghị quyết đề cập, trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội.
Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua Sông Hồng, Sông Đuống.
Đặc biệt, phấn đấu hoàn thành đường vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng vào cuối năm 2021, Bộ đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai hỗ trợ cho Nội Bài về phía Đông Nam Hà Nội. Sân bay này sẽ có công suất 50 triệu hành khách/năm đến 2050.