Tại buổi làm việc mới đây với Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc , ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Ban quản lý rà soát và trình UBND tỉnh để thu hồi chủ trương đầu tư đối với những nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, không thực hiện ký quỹ bảo đảm đầu tư, không thực hiện đúng cam kết tiến độ đầu tư hoặc cố tình trì hoãn kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư. Đồng thời, đề nghị bố trí khu tái định cư hợp lý.
Một góc thị trấn An Thới.
Theo ông Hồng, nếu thực hiện được tái định cư cho các hộ dân có đất trong vùng dự án theo hướng quy hoạch khu du lịch, khu dân cư làng nghề, kêu gọi đầu tư xã hội hóa của doanh nghiệp kết hợp giữa nhà đầu tư và dân trong vùng dự án thì vừa giải quyết được bài toán giải phóng mặt bằng, vừa đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
“Rà soát rồi xem lại những dự án chậm triển khai, đủ điều kiện thu hồi là phải thu hồi. Công tác hậu kiểm, rà soát thường xuyên về vấn đề này thực hiện chưa tốt. Cấp chứng nhận đầu tư rồi, quy hoạch đã duyệt rồi nhưng hậu kiểm xem doanh nghiệp có làm đúng quy hoạch không, có đúng chứng nhận đầu tư không cũng không được biết. Trong báo cáo không thể hiện được có bao nhiêu dự án làm sai về quy hoạch, sai về chứng nhận đầu tư rồi kiểm tra việc chuyển nhượng dự án có hay không có, đúng hay sai để phòng trường hợp chuyển nhượng dự án trái luật”, ông Phạm Vũ Hồng cho biết.
Đến nay, Phú Quốc có 304 dự án đầu tư có hiệu lực trong các khu quy hoạch; 47 dự án được đưa vào khai thác với diện tích hơn 1.200 ha; 41 dự án triển khai xây dựng trong đó có 10 dự án khai thác một phần. Trên địa bàn huyện có 31 dự án FDI với tổng vốn 293 triệu USD...
Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc, trong quý 1/2019 vẫn còn một số tồn tại khó giải quyết như công tác giải phóng mặt bằng giao đất sạch cho nhà đầu tư còn ít, việc giao đất thực địa còn gặp nhiều khó khăn do các hộ nhận bồi thường nhưng không chịu di dời, tình hình bao chiếm, lấn chiếm, tái chiếm vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Trong tổng số 92 dự án được giao đất và thuê đất có 36/92 dự án tranh chấp khiếu kiện, tái chiếm và bao chiếm.