Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.
Đó là thông tin tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến chương trình kỳ họp thứ sáu, trước phiên khai mạc sáng 22/10, liên quan đến dự án luật về đặc khu.
Báo cáo nêu rõ, thực hiện nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục chuẩn bị, lấy ý kiến rộng rãi, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến xác đáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp này.
Về dự án Luật Hành chính công, sáng kiến lập pháp của đại biêu Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết sau khi xem xét, thảo luận kỹ lưỡng các mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung dự án luật không bảo đảm điều kiện để trình ra Quốc hội, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra khi đưa vào chương trình.
Do quá trình soạn thảo kéo dài, nên nhiều mục tiêu, nội dung đặt ra trong quá trình xây dựng dự án đã được Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành thời gian qua, đồng thời, đề xuất, sửa đổi, bổ sung trong các văn bản luật và dưới luật.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép dừng việc xây dựng dự án Luật Hành chính công. Toàn bộ tài liệu liên quan đến dự án luật có giá trị tham khảo, được gửi trên mạng thông tin điện tử của Quốc hội để phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Ý kiến đề nghị bố trí nội dung lấy phiếu tín nhiệm sau phiên chất vấn để đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở đánh giá trách nhiệm của các thành viên Chính phủ cũng nhận được hồi âm từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để đánh giá chính xác, khách quan mức độ tín nhiệm phải căn cứ vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay. Trong khi đó, việc chất vấn kỳ này chỉ tập trung vào một số thành viên Chính phủ có nội dung trong Nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn chứ không phải tất cả các thành viên Chính phủ.
Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm tất cả các thành viên Chính phủ trước khi chất vấn một số thành viên Chính phủ sẽ bảo đảm khách quan. Đề nghị Quốc hội cho phép được giữ như dự kiến (lấy phiếu trước, chất vấn sau - PV).