Lao động yếu thế khi bị nợ bảo hiểm xã hội
Hơn 14.000 tỷ đồng là số tiền chậm, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến thời điểm này. Khoảng 2,8 triệu lao động đang bị ảnh hưởng quyền lợi, trong đó có hàng trăm nghìn người có nguy cơ trở thành nạn nhân của tình trạng này.
Thậm chí, có những doanh nghiệp vẫn trích thu nhập của người lao động cho khoản đóng bảo hiểm xã hội nhưng không hề nộp cho cơ quan bảo hiểm. Quyền lợi của nhiều lao động và gia đình họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi ốm đau, thai sản và lâu dài hơn là hưu trí sẽ không được giải quyết.
Tại Đồng Nai, một doanh nghiệp đã đổi tên thành doanh nghiệp khác và bỗng dưng người lao động đã bị mất bảo hiểm xã hội. Theo đó, vẫn nhà xưởng, địa chỉ cũ nhưng công ty TNHH KNA Apparel Sourcing Việt Nam đã đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Austgrow Việt Nam.
Nhiều người là lao động của công ty KNA đã tới công ty để làm rõ vì sao doanh nghiệp đã trích lương của họ mà không đóng bảo hiểm xã hội đều không nhận được trả lời. Trong số này, có cả công nhân chỉ gần 1 tháng nữa đến ngày sinh nở.
Tháng 6/2022, anh Phụng - nguyên công nhân Công ty KNA Apparel Sourcing Việt Nam - nằm viện nhưng lại không được chi trả tiền ốm đau, tới hỏi cơ quan bảo hiểm xã hội thì được biết công ty đã không đóng bảo hiểm cho người lao động 18 tháng qua.
"Công ty tháng nào cũng thu tiền bảo hiểm nhưng không nộp. Tôi không có tiền ốm đau đã đành nhưng vợ tôi sắp sinh cũng không có tiền chế độ thai sản luôn", anh Phụng cho biết.
Hai mẹ con chị Thanh cũng vào làm việc ở Công ty KNA Apparel Sourcing Việt Nam được 3 năm có hợp đồng lao động. Mới đây chị xin dừng hợp đồng để chuyển sang công ty khác thì mới phát hiện doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho mẹ con chị.
Đại diện công đoàn tỉnh Đồng Nai cho biết, sẵn sàng đại diện cho người lao động khởi kiện công ty ra tòa vì trốn tránh trách nhiệm tài chính và trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Một nghịch lý ở đây là người lao động ở vị trí chủ nợ, còn doanh nghiệp là người nợ tiền bảo hiểm xã hội nhưng nhiều năm qua, chủ nợ luôn ở thế yếu khi đòi nợ, thậm chí mất trắng hưu trí, bảo hiểm y tế khi về già do chưa có chế tài xử lý nghiêm hành vi trốn, nợ bảo hiểm xã hội.
Cần xử lý nghiêm nợ bảo hiểm xã hội
Doanh nghiệp trốn, chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý nghiêm. Ảnh minh họa.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiên quyết xử phạt, khởi tố chủ doanh nghiệp chậm, nợ, cố tình trốn đóng hiểm xã hội của người lao động. Còn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã đề nghị phải hỗ trợ các lao động chưa được hưởng các chế độ an sinh do bị ảnh hưởng bởi tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, năm nay sẽ tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động....; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với 100% doanh nghiệp, đơn vị có hành vi vi phạm.
Về phía người lao động có thể chủ động kiểm tra mức đóng, thời gian đóng và cả phần đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.
Nếu phát hiện được khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của mình bị doanh nghiệp chậm đóng có thể phản ánh ngay tới cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.