Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV và sẽ có hiệu lực vào ngày 15.1 tới có quy định doanh nhân không được đồng sở hữu (hoặc sở hữu chéo) vừa là chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp vừa là chủ tịch HĐQT của một ngân hàng.
Bỏ doanh nghiệp, chọn ngân hàng
Đến thời điểm hiện tại, một số ông chủ đã khẳng định lựa chọn chèo lái ngân hàng thay vì làm chủ tịch HĐQT doanh nghiệp của họ. Lý do chọn ngân hàng, rời bỏ T&T của ông Đỗ Quang Hiển là vì “thực tế nhiều năm qua dù giữ chức danh chủ tịch hay tổng giám đốc nhưng tôi không dành quá nhiều thời gian điều hành trực tiếp. Có thời gian tôi dành toàn bộ ngồi ở SHB và cả một, hai tháng liền không sang T&T. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn ổn”.
Còn theo ông Đỗ Minh Phú, thì DOJI là đơn vị được thành lập lâu hơn, tuổi đời hàng chục năm, còn TPBank hiện mới chỉ có tuổi đời khoảng 10 năm. Do đó, TPBank cần ông chèo lái con thuyền hơn DOJI và TPBank cũng cần mình hơn. Còn đối với DOJI, dù là người sáng lập và đứng đầu tập đoàn vàng bạc lớn này nhưng ông Phú đã có những đội ngũ kế cận đủ để gánh vác và phát triển công ty này.
"Ông trùm” bất động sản Dương Công Minh cũng đã sẵn sàng ở lại vị trí Chủ tịch Sacombank thay cho một lựa chọn khác. Tuy nhiên, do Sacombank mới tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2017-2011 cho nên có thể thấy ông Minh vẫn còn dư địa tới vài năm nữa.
Tuy nhiên, có một điểm chung, đó là những doanh nghiệp mà ông chủ lựa chọn rời bỏ đều là những doanh nghiệp gia đình, nên dù có rời bỏ thì vẫn chi phối được. Ví như trường hợp Công ty HimLam, ông Minh từng nói, ở Him Lam là độc trị. Nay là ông ấy, sau này sẽ kế thừa cho con trai. Tuy nhiên, hiện ông mới quyết định rời khỏi ghế chủ tịch Him Lam, nhưng vẫn chưa có phương án nhân sự thay thế. Các ông chủ khác cũng vậy.
Bình luận về quyết định này của các ông chủ, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng ngân hàng quản trị phức tạp hơn, rủi ro nhiều hơn nên thường ông chủ đó muốn đích thân quản lý.
“Vì nếu ngân hàng gặp rủi ro thì tập đoàn của họ sẽ khó khăn. Tuy nhiên, việc lựa chọn ngân hàng hay doanh nghiệp cũng tuỳ theo cơ cấu cổ đông của ngân hàng và doanh nghiệp ấy. Thường thì những tập đoàn gia đình nên họ có thể cho người khác điều hành và vẫn kiểm soát được”, ông Nghĩa phân tích.
Ông Nghĩa cũng không phủ nhận khó tránh được những quy định trong luật trong trường hợp này mang tính hình thức vì làm kinh doanh phải lựa chọn quyết định nào để khả năng chi phối của ông chủ là cao nhất, ít rủi ro nhất. Tuy nhiên, là cổ đông họ có quyền quyết định ai là người quản lý tài sản của mình.
Nhiều ông chủ ngân hàng chưa lên tiếng
Theo một thống kê sơ bộ, trong giới ngân hàng hiện nay, nhiều sếp ngân hàng đang đồng thời là chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc tổng giám đốc, phó tổng giám đốc ở các doanh nghiệp. Hiện tại vẫn còn nhiều "ông, bà chủ" chưa lên tiếng như: Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ là Chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings; Ông Phan Đình Tân, Chủ tịch HĐQT NamABank đang giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàn Cầu. Ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch HĐQT PVcomBank kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam.
Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT VietABank kiêm nhiệm Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Việt Phương. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cũng kiêm nhiệm thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long.
Hay như ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Kiên Long Bank là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Đồng Tâm Group; bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch của HDBank cũng là chủ tịch của Vinamilk...
Bà Lê Thu Thuỷ được cho sẽ kế nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT thay mẹ sau khi hết nhiệm kỳ (Ảnh: MH)
Chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga là Chủ tịch của BRG Group, đồng thời là chủ tịch/thành viên HĐQT của Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam chưa có quyết định cuối cùng nhưng có thể thấy trong thời gian gần đây, vai trò của cô con gái Lê Thu Thuỷ đang ngày càng rõ nét.
Thời gian qua, bà đã đạo tạo người kế nhiệm là cô con gái Lê Thu Thuỷ. Bà Thuỷ sinh năm 1983, là cử nhân Quản trị Kinh doanh - Đại học George Mason - Hoa Kỳ; cử nhân Tài chính - Ngân hàng - Đại học George Mason - Hoa Kỳ và hiện đang giữ chức Phó chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thứ nhất Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Bắt đầu vào SeABank từ năm 2008, bà Lê Thu Thủy đã để lại dấu ấn lớn trong quá trình Ngân hàng chuyển mình theo mô hình Ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại như hiện nay, trong đó nổi bật là việc ngân hàng Société Générale (Pháp) trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài và hỗ trợ kỹ thuật toàn diện cho SeABank cũng như phát triển chiến lược ngân hàng bán lẻ của ngân hàng này. Từ năm 2010, SeABank đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ nhận diện thương hiệu, cấu trúc mô hình hoạt động, định hướng phát triển khách hàng, phát triển nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, đầu tư công nghệ. Bà Lê Thu Thủy cũng là người trực tiếp kết nối và phát triển thành công mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp lớn hàng đầu trong nước tạo nền tảng cho sự phát triển bán lẻ của Ngân hàng.
Với những nỗ lực và giá trị đóng góp vào quá trình phát triển của SeABank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung, bà Lê Thu Thủy đã được AWEN vinh danh là “Doanh nhân nữ tiêu biểu ASEAN” (The ASEAN Women Entrepreneur) tại Hội nghị Doanh nhân nữ ASEAN năm nay. Ngoài ra, còn được nhận nhiều giải thưởng giải thưởng khác uy tín như “Nhà lãnh đạo ngân hàng năng động nhất 2016” và “Nữ lãnh đạo Ngân hàng trẻ xuất sắc nhất 2015” của International Finance Magazine (Vương quốc Anh)...