Bà Margaret O’Mara, một nhà nghiên cứu lịch sử của Đại học Washington, cho rằng Seattle và Thung lũng Silicon có xuất phát điểm tương tự nhau, đều phát triển nhanh chóng trong suốt cơn sốt vàng California hồi thế kỷ 19 và sau đó được hưởng lợi từ chi tiêu cho quân sự của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên Thung lũng Silicon cuối cùng đã tập trung vào việc sản xuất các loại chip silicon (bộ xử lý vi mạch bằng silic), còn Seattle lại là nơi chế tạo máy bay, và Boeing đã từng là cái mỏ neo kinh tế của thành phố này suốt hàng chục năm. Điểm khác biệt này ở một khía cạnh nào đó vẫn còn tồn tại, khi Thung lũng Silicon hiện là nơi trú ngụ của nhiều “ông lớn”, nhưng nơi đây đặc biệt chú trọng đến các công ty khởi nghiệp và chuyên về điện thoại thông minh, trong khi Seattle vẫn là thành phố mà các hoạt động kinh tế của nó đều chủ yếu xoay quanh những cái tên trụ cột như Amazon và Microsoft.
Bên cạnh đó, diện tích của Seattle và các vùng lân cận chưa bằng 1/5 Thung lũng Silicon. Tất cả những điều này đã tạo nên một văn hóa kinh doanh khác biệt giữa hai trung tâm công nghệ này. Chẳng hạn như ở Seattle, tình trạng “nhảy việc” không diễn ra thường xuyên như ở Thung lũng Silicon. Thành phố cảng này dù là nơi sản sinh ra nhiều cái tên mới như Avvo, một sàn giao dịch trực tuyến các dịch vụ pháp lý, hay Zillow, một chuyên trang môi giới bất động sản, song bối cảnh startup ở đây vẫn chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng vốn nó của nó.
Ngoài ra, người dân Seattle không muốn thành phố của họ trở thành một nơi như San Francisco, thành phố mà bộ phận “người giàu” chiếm phần đông. Hội đồng thành phố Seattle vừa thông qua một chương trình mới, theo đó yêu cầu các dự án xây dựng bất động sản phải bao gồm cả phân khúc giá rẻ, nếu không chủ đầu tư sẽ phải trả một khoản phí. Mục đích của chương trình này là nhằm đảm bảo rằng Seattle vẫn là thành phố đứng thứ hai ở Mỹ về sự hợp nhất kinh tế, theo xếp hạng của Công ty dịch vụ bất động sản RedFin, thể hiện ở tỷ trọng nhà với mức giá mà các gia đình có mức thu nhập trung bình có khả năng sở hữu. Trong khi đó, San Francisco nằm gần cuối bảng xếp hạng này, cho thấy các hộ gia đình với mức thu nhập trung bình khó có thể mua được một căn nhà ở trung tâm công nghệ này.
Cùng với lý do kể trên thì vẻ đẹp tự nhiên và lợi ích khi không phải nộp thuế thu nhập tiểu bang cũng là điểm thu hút những người đã quá mệt mỏi với cuộc sống đắt đỏ ở Thung lũng Silicon đổ về phía bắc, nơi mà người ta có thể tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn chỉ với nửa mức giá so với ở phía Nam San Francisco, theo lời của Simon Crosby, người đồng sáng lập công ty an ninh máy tính Bromium.
Một trong những mối liên hệ giữa Seattle và Thung lũng Silicon là công nghệ điện toán đám mây. Phần lớn các startup ở San Francisco vận hành hoạt động kinh doanh của họ dựa trên nền tảng điện toán đám mây Amazon Web Services của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon. Và nhiều doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon bắt đầu lo ngại rằng với đà này thì sẽ có ngày sản phẩm điện toán đám mây đến từ Seattle này trở nên lấn lướt như hệ điều hành Windows một thời.
Còn hiện tại thì chính Seattle lại lo ngại hơn về khả năng bị lấn át bởi thành phố láng giềng phía nam. Các doanh nghiệp hiện đã mở gần 90 văn phòng kỹ thuật ở Seattle nhằm chiêu mộ những tài năng mới, 1/3 trong số đó có công ty mẹ ở California. John Cook, nhà đồng sáng lập trang web công nghệ Geekwire cho rằng dù các văn phòng này đóng góp vào bối cảnh công nghệ chung của Seattle, nhưng chúng cũng dần “hút máu” hệ sinh thái khởi nghiệp ở đây bằng cách rút cạn nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này làm dấy lên cuộc tranh luận về những mặt trái của các hoạt động đầu tư từ bên ngoài. Những tác động khác của làn sóng di cư công nghệ này cũng gây tranh cãi không kém, khi Zillow cho biết giá nhà ở Seattle đã tăng thêm 10% chỉ trong một năm qua.
Người dân Seattle từ lâu đã phàn nàn về việc bị California lấn át, nhưng nguy cơ thành phố này trở thành “sân sau” của Thung lũng Silicon đang khiến nhiều người phải bận tâm. Nhưng dù sao thì hai trung tâm công nghệ này cũng đang hội tụ, và giải pháp tốt nhất hiện giờ là làm thế nào để khiến sự kết nối này phát huy hiệu quả nhất có thể, theo Rich Barton, lãnh đạo cấp cao của một loạt các doanh nghiệp, trong đó có Zillow và trang web du lịch nổi tiếng Expedia.