Sau khoảng thời gian lao dốc ở quý I, thị trường chứng khoán đã các lập đáy ở mức 662,26 điểm vào phiên 30/3. Thị trường khởi đầu tháng đầu tiên của quý II với diễn biến hết sức tích cực. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, VN-Index đứng ở mức 769,11 điểm, tương ứng tăng 16,1% so với cuối tháng trước. HNX-Index cũng tăng 15,3% lên 106,84 điểm.
Thị trường chứng khoán tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở các nước trên thế giới nhưng cơ bản ổn định ở trong nước. Tuy nhiên, điểm tiêu cực là khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng rất mạnh trong tháng 4 bất chấp các chỉ số diễn biến tích cực. Khối ngoại bán ròng tổng cộng hơn 6.800 tỷ đồng trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM. Riêng sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 6.138 tỷ đồng, còn nếu tính cả 4 tháng đầu năm thì khối ngoại bán ròng đến 14.840 tỷ đồng.
Bước sang tháng 5, như thường lệ, tâm lý nhà đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng bởi câu ngạn ngữ "Sell in May and go away" (Bán hết cổ phiếu vào tháng 5 và đi chơi) ám chỉ việc thị trường tháng 5 thường trống thông tin và giảm giá của giới đầu tư Mỹ. Tương tự như ở thị trường Việt Nam, thông thường tháng 5 cũng là khoảng thời gian trống thông tin khi các tin tức vĩ mô quan trọng đã được công bố, kết quả kinh doanh quý của các doanh nghiệp cũng kết thúc. Tuy nhiên, khác với mọi năm, kỳ đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp lại có khả năng diễn ra ở thời điểm này do đã bị hoãn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thống kê lịch sử giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy số lần giảm điểm của VN-Index đang nhỉnh hơn đáng kể. Trong 18 năm vận hành của VN-Index kể từ năm 2001, chỉ số này có 11 năm giảm điểm và 8 năm tăng điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 8 năm và tăng 6 năm (chỉ số này đi vào hoạt động từ năm 2006). Đáng chú ý, cả 2 năm gần nhất, cả VN-Index và HNX-Index đều giảm điểm trong tháng 5.
|
Vậy diễn biến thị trường tháng 5 năm nay sẽ như thế nào?
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset VN cho rằng vĩ mô tháng 5 sẽ là sự đón đầu nhiều chính sách kích cầu tổ hợp tới từ chính phủ khi tình hình đại dịch về cơ bản đã được khống chế và kiểm soát một cách chặt chẽ cùng với đó là trạng thái mở cửa từng phần ở các điểm nóng trên thế giới như EU và Mỹ. Điều này mang lại sự hưng phấn về mặt tâm lý cho nhà đầu tư nên câu chuyện “Sell in May” có thể sẽ không như mọi năm mà ở một mức độ khác biệt hơn. Tuy vị giám đốc môi giới này cũng không kỳ vọng sẽ là một giai đoạn tăng trưởng tốt của thị trường vì đã có sự phục hồi khá mạnh trong tháng 4 vừa qua. Quan điểm về biến động của ông Tuấn về thị trường sẽ nghiêng về một tháng tích lũy và phân hóa nhiều hơn.
Còn về phần còn lại của năm 2020, có 2 kịch bản được ông Tuấn đưa ra. Thứ nhất, tình hình đại dịch dược khống chế dứt điểm trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đi kèm với đó là hiệu ứng chính sách kích cầu lan tỏa khắp nơi sẽ giúp cho thị trường tài chính và chứng khoán có diễn biến tốt và hướng về những mốc đỉnh cũ về cuối 2020. Kịch bản thứ 2 là đại dịch chỉ khống chế được một phần và sẽ có những làn sóng tái lây nhiễm, lúc này tình trạng sống chung sẽ được lựa chọn. Với kịch bản này thì nguồn lực của nền kinh tế sẽ bị hao hụt rất nhiều vì phải san sẻ để chống và khống chế dịch cũng như các chính sách kích cầu rất khó đạt kết quả như mong muốn vì độ trễ hay tính không đồng nhất. Ở viễn cảnh xấu hơn như vậy thì thị trường chứng khoán về cuối năm sẽ ảm đạm và có thể kiểm tra lại mức đáy 650 đợt cuối tháng 3.
Theo phân tích của của ông Phạm Văn Khoa, Chuyên viên tư vấn cao cấp, Khối Dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản, CTCP Chứng khoán VNDirect, số liệu xuất nhập khẩu trong tháng 4 giảm so với cùng kỳ 2019, quý II sẽ là giai đoạn những con số thống kê xuống thấp nhất vì hầu hết các nền kinh tế đều ở trạng thái “dừng hình”, đồng nghĩa các hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa, mua sắm cũng vậy. Các nền kinh tế kiểm soát dịch thành công như Trung Quốc và Việt Nam có thể phục hồi sản xuất sớm nhưng chủ yếu vẫn dựa vào nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Thị trường chứng khoán tháng 5 theo suy nghĩ của cá nhân ông Khoa sẽ khó khăn cho nhà đầu tư cá nhân vì dòng tiền lớn của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức liên tục bán ròng trong tháng 3 và tháng 4. Nhà đầu tư tổ chức thường được coi là dòng tiền thông minh bởi tầm nhìn xa và nhìn sâu, khi họ bán nghĩa là họ biết một điều gì đó mà số đông chưa biết. Trong lịch sử, khi dòng tiền của nhà đầu tư lớn rút đi, thị trường rất ít khi tăng giá được sau đó.
Dòng vốn ngoại có quay trở lại?
Quan điểm của 2 chuyên gia có phần khác nhau khi đánh giá về diễn biến của dòng vốn ngoại. Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, việc bán ròng của khối ngoại tập trung vào nhóm cổ phiếu trụ, nhóm tài chính ngân hàng, bất động sản cho thấy họ đánh giá không cao triển vọng của nhóm ngành này về dài hạn cũng như đã lượng hóa tác động của đại dịch vào chiến lược đầu tư và phân bổ vốn của họ. Ông Tuấn kỳ vọng giai đoạn chấm dứt bán ròng sẽ rơi vào nửa cuối tháng 5 này khi tình hình kiềm chế đại dịch toàn cầu có những dấu hiệu khả quan rõ rệt hơn đi kèm với việc mở cửa lại nền kinh tế từng phần ở hầu hết các trung tâm kinh tế tài chính của thế giới như Mỹ và EU.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Khoa đánh giá dòng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên nói chung và cổ phiếu Việt Nam nói riêng là xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu. Về sâu xa, tâm lý phòng thủ là nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại rút đi. Các sự kiện chiến tranh thương mại, dịch bệnh và cuộc chiến giá dầu... đã kích hoạt khiến tâm lý đó mạnh lên thành xu hướng bán ròng như vừa qua. Dòng vốn ngoại trong tháng 5 và những tháng còn lại của năm 2020 nhiều khả năng tiếp tục xu hướng bán ròng hoặc ít nhất chưa thể trở lại mua ròng mạnh.
Theo tính toán của VNDirect, trong quý I, các quỹ đầu tư phòng hộ hay quỹ tương hỗ là đối tượng bán ròng lớn trên thị trường Việt Nam. Các quỹ này thường có tư duy dài hạn và họ không thể nhanh chóng chuyển từ bán ròng sang mua ròng được.