Ngày 31/12/2021, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) - "siêu doanh nghiệp" có vốn điều lệ đăng ký ban đầu lên đến 500.000 tỷ đồng, cao hơn cả những tập đoàn hàng đầu Việt Nam như EVN, Vingroup, Vinamilk, Vietcombank… đã có thông báo về việc giải thể.
Lý giải cho việc ngừng hoạt động này, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh , 36 tuổi, CEO, nhà sáng lập công ty cho hay, nguyên nhân là do 2 cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu.
"Thực tế công ty đã ngừng hoạt động từ tháng 9/2021, giờ chỉ chờ làm việc với bên thuế để hoàn tất thủ tục", ông Quốc Anh cho biết.
Sau khi giải thể công ty, Quốc Anh sẽ không làm việc mà dành thời gian suy xét các mối quan hệ, tìm kiếm đối tác phù hợp để sau Tết Nguyên đán phát triển dự án mới với tham vọng chinh phục thị trường thế giới. Đồng thời, CEO "siêu doanh nghiệp" này cũng khẳng định, bản thân ông không hề thấy đây là thất bại mà lại thấy tự hào vì dám nghĩ dám làm.
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh
Liên quan đến số tiền sẽ bị phạt vì doanh nghiệp không thực hiện góp đủ vốn theo quy định, Quốc Anh cho biết, số tiền này "chẳng đáng bao nhiêu".
Hiện tại, căn nhà cấp 4 mà Quốc Anh đặt trụ sở của doanh nghiệp 500.000 tỷ vẫn còn dán bảng tên của 1 số công ty mà Quốc Anh làm đại diện pháp luật. Trong khi đó, website của công ty đã không thể truy cập được.
Trên facebook cá nhân của Quốc Anh, kể từ 29/9/2021 cũng không còn đăng tải thêm thông tin gì liên quan đến hoạt động của các "siêu doanh nghiệp" dù trước đó, tần suất "lên bài" quảng cáo cho doanh nghiệp 500.000 tỷ dày đặc.
Tháng 5/2021, một "siêu doanh nghiệp" có vốn đăng ký ban đầu lên đến 500.000 tỷ đồng đã được thành lập. Doanh nghiệp này đăng ký địa chỉ trụ sở tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower, thực tế đây là một văn phòng ảo.
Số tiến góp vốn của Quốc Anh lên đến 499.998 tỷ đồng, chiếm 99,99% cổ phần, phần vốn còn lại do hai cá nhân Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện góp.
Khi bị tố "nổ" vì số tiền góp vốn "khủng", Quốc Anh đã từng khẳng định: "21,7 tỷ USD với tôi chả là gì", "sao mọi người không nghĩ số tiền nộp sẽ tăng hơn mà lại là giảm vốn hay nộp đủ".
Đồng thời, người này khẳng định: "Nếu tôi là thằng không có gì trong tay, là một thằng "nổ" thì tôi đã không dám lên họp báo. Tôi cũng là người được học hành tử tế, được làm trong nhiều doanh nghiệp, được học hỏi từ các CEO để đưa ra công thức riêng cho mình".
Theo quy định, với các doanh nghiệp không thực hiện góp đủ vốn năm 2021, mức phạt được áp dụng theo quy định tại Nghị định 50. Theo đó, điều 28 của Nghị định 52 quy định hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Nghị định 122 có hiệu lực đầu năm nay quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt 30 - 50 triệu đồng nếu không điều chỉnh vốn khi hết thời hạn góp vốn hoặc không cổ đông sáng lập nào góp vốn như cam kết. Nếu khai khống vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, mức phạt tối đa là 100 triệu đồng.