Theo công ty nghiên cứu thị trường Savills, hai lực đẩy giúp thị trường bán lẻ Việt Nam trỏ nên đầy tiềm năng là cơ cấu dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hiện 64% dân số Việt Nam nằm trong độ tuổi từ 15-59, độ tuổi có nhu cầu mua sắm và khả năng tài chính tốt. Trong khi đó dự kiến thu nhập bình quân năm 2020 và GDP tăng trưởng trung bình 6-7% trong thời gian tới sẽ trở thành lực đẩy thứ 2.
Sức nóng của ngành bán lẻ kéo theo nhu cầu lớn về nhân sự. Đây cũng là một trong những bài toán khó khăn mà CPTCP bán lẻ kỹ thuật số FPT- FPT Retail cần xử lý theo chia sẻ của ông Ngô Quốc Bảo, giám đốc phát triển kinh doanh và Ecommerce trong Wetalk Kinh doanh chuỗi: Không phải cứ mở là thắng!
Theo ông Bảo từ khi phát triển chuỗi FPT Shop thuộc FPT Retail từ 17 cửa hàng sau đó mở ào ạt mỗi tháng 5-6 cửa hàng thì nhân sự là một trong số những vấn đề công ty gặp phải. Những vấn đề FRT: Làm sao để tuyển đủ số lượng, chất lượng. Sau khi tuyển đủ số lượng nhân sự nhưng để đáp ứng yêu cầu chuyên môn cao đặt ra lại là bài toán khó khác.
"Sau đó chúng tôi phát hiện ra rằng muốn phát triển chuỗi lớn và nhanh không thể nào lúc nào cũng có đầy đủ nhân viên rồi chất lượng cao như yêu cầu, nếu có thì phải trả chi phí khổng lồ để nuôi", vị lãnh đạo này chia sẻ kinh nghiệm. Tuyển được người đã khó, giữ người lại còn khó trong bối cảnh khan hiếm nhân sự khi tỷ lệ chuyển việc của ngành bán lẻ này luôn nằm trong top đầu.
"Tuyển vào rất cao xong rồi đào tạo xong thì họ đi lại phải tuyển mới", ông Bảo chia sẻ thêm về câu chuyện tuyển người tại FPT Retail. Để giải quyết bài toán này, lãnh đạo FPT Retail hướng đến là một tổ chức không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào.
Ví dụ như thị trường miền Trung khi ban đầu chỉ có vài địa điểm, cửa hàng trưởng sau đó mở rộng ra thì những cửa hàng trưởng này sau một thời gian hỗ trợ sẽ phải rút về cho người mới thích ứng ngay. Để làm được điều này, cách làm của FPT Retail là đảm bảo quy trình làm việc rất cơ bản, đơn giản và dễ hiểu cho người mới vào làm được ngay.
"Chúng tôi không xây dựng đội bóng toàn ngôi sao mà chúng tôi sẽ biến những bộ binh chân đất thành những người có chuyên môn cao", người phụ trách mảng kinh doanh của FPT Retail bật mí. Điều này khá khác so với thời điểm ban đầu tập trung vào tuyển nhân sự có chuyên môn cao.
Lịch sử thủa ban đầu của FPT Retail cũng chứng minh điều này. Thời điểm mới trở thành công ty cổ phần năm 2012, 3 nhân vật đóng vai trò quan trọng nhất của công ty là ông Phạm Thành Đức giữ vị trị CEO chuyên tập hợp lực lượng, xây dựng trang web. 2 người còn lại là bà Nguyễn Bạch Điệp và bà Trịnh Hoa Giang lo phát triển cửa hàng.
Sau vài tháng phát triển, ông Phạm Thành Đức rời FPT Retail và bà Điệp đảm nhận vị trí lãnh đạo. Theo chia sẻ của bà Điệp với "văn hóa FPT không xây dựng vào một con người", đội ngũ lãnh đạo công ty này tiếp tục gồng gánh để tiến lên.
Một bí quyết khác của công ty bán lẻ công nghệ này là xây dựng một bộ công cụ mô tả đồ sộ và đơn giản. Theo ông Bảo để ra quy trình đơn giản phải đầu tư chất xám rất nhiều và phải trải qua quá trình đào tạo tính bằng nhiều năm, công cụ quy trình thay đổi, hàng năm phải có xem xét lại.
Đồ sộ là bởi bộ hướng dẫn đào tạo hướng dẫn chăm sóc khách hàng này phải được làm giàu liên tục và loại bỏ những thứ không phù hợp. FPT Retail xây dựng cơ sở dữ liệu, ngân hàng kịch bản để đụng phương án A bật ra ngay kịch bản B. Những điều này không cố định theo thời gian.
Hướng đi của FPT Retail qua thời gian đã chứng minh đúng đắn khi công ty này bắt đầu gặt hái được những thành công nhất đinh. Hiện tại chuỗi có hơn 500 cửa hàng FPT Shop và 20 cửa hàng F-Studio trên toàn quốc. Tài liệu Roadshow của công ty này năm 2017 hiện FPT Retail chiếm 18,2% thị phần và đứng sau chuỗi bán lẻ Thế giới di động so với con số 10,7% cách đây 3 năm. Tăng trưởng cửa hàng trong giai đoạn 5 năm qua của chuỗi bán lẻ này cũng thực sự ấn tượng với con số kép CAGR 57%.
Wetalk #3 - Kinh doanh chuỗi, không phải cứ mở là thắng!