Sáng nay, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của "ông tổng" Viglacera đã thành công tốt đẹp. Mọi đệ trình tại Đại hội đều đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ cao. Điều đáng chú ý là, dàn lãnh đạo của Viglacera sau thời gian bán vốn Nhà nước đã được định hình rõ nét. Chủ tịch của cổ đông lớn Gelex đã trúng cử làm Chủ tịch HĐQT của Viglacera.
Chủ tịch Gelex Nguyễn Văn Tuấn được bầu làm chủ tịch HĐQT Viglacera với tỷ lệ phiếu cao nhất
Trước Đại hội cổ đông lần này, dù là một "ông tổng" lớn nhưng HĐQT Viglacera mới chỉ có 3 thành viên là ông Nguyễn Anh Tuấn (Tổng Giám đốc), ông Trần Ngọc Anh (Phó TGĐ) và ông Luyện Công Minh (Chủ tịch HĐQT) và 2 thành viên Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thị Cẩm Vân và bà Phạm Ngọc Bích.
Tại Đại hội cổ đông lần này, ĐHCĐ đã thông qua số lượng thành viên HĐQT là 5 và số lượng thành viên Ban kiểm soát là 3. Cùng với đó, Viglacera đã tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT Và BKS.
Trước thềm Đại hội cổ đông, Viglacera đã nhận được văn bản đề cử của nhóm cổ đông lớn Gelex (nắm xấp xỉ 25% cổ phần công ty) đề cử bổ sung 2 thành viên vào HĐQT, bao gồm ông Nguyễn Văn Tuấn (Chủ tịch HĐQT Gelex), bà Đỗ Thị Phương Lan (Phó chủ tịch Gelex). Ngoài ra, nhóm cổ đông lớn còn đề cử bà Nguyễn Thị Thanh Yến vào thành viên ban kiểm soát Viglacera.
Kết quả, bầu cử cho thấy những thành viên trúng cử HĐQT Viglacera nhiệm ký 2019 - 2024 gồm: Ông Nguyễn Văn Tuấn (588 triệu phiếu bầu-cao nhất), ông Nguyễn Anh Tuấn (458 triệu phiếu bầu), ông Trần Ngọc Anh (308 triệu phiếu bầu), ông Luyện Công Minh (268 triệu phiếu bầu), bà Đỗ Thị Phương Lan (193 triệu phiếu bầu). Các bà Nguyễn Thị Thanh Yến, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân và bà Phạm Ngọc Bích cũng trúng cử thành viên Ban kiểm soát.
"Profile" khủng của ông Nguyễn Văn Tuấn và kỳ vọng nào cho tương lai của Viglacera?
Ông Nguyễn Văn Tuấn là một trong những CEO trẻ trên thị trường chứng khoán. Sinh năm 1984, ông Tuấn lần đầu tiên giữ chức vụ cao tại các doanh nghiệp là vào năm 2013 khi được bầu làm phó Chủ tịch HĐQT của Fecon. Sau đó, ông tiếp tục "trải nghiệm" ở các chức vụ khác như Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD; Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Thiết bị Điện; Chủ tịch Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam (CAV) và rồi năm 2016 được bầu làm Tổng giám đốc Gelex. Tháng 1/2018, ông được bầu kiêm nhiệm thêm chức danh Chủ tịch HĐQT Gelex.
Như vậy là, ông Tuấn đã giữ 2 chức vụ cao nhất tại Gelex tại thời điểm được bầu làm chủ tịch HĐQT của "ông tổng" Viglacera.
Dưới thời của ông Nguyễn Văn Tuấn, Gelex phát triển khá rực rỡ với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh hàng năm bên cạnh hàng loạt thương vụ M&A các thương hiệu mạnh ngành thiết bị điện, phát triển mới các dự án điện mặt trời và mảng logistics cũng đã tái cơ cấu thành hàng đầu cả nước. Doanh thu cả năm 2018 vừa qua của Gelex đạt 13.699 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 1.283 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 942,4 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Theo báo cáo từ phía công ty, năm 2018 doanh thu công ty tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực.
Kết quả kinh doanh những năm gần đây của Gelex (tỷ đồng)
Trong thông điệp mới đây, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Chiến lược phát triển trong thời gian sắp tới của GELEX là tiếp tục mở rộng lĩnh vực sản xuất công nghiệp sang các lĩnh vực sản xuất có tính chất tương đồng/ bổ trợ cho mảng sản xuất truyền thống của Tập đoàn như mảng sản xuất vật liệu xây dựng. Mục tiêu của của GELEX là có thể cung cấp cho thị trường các "gói giải pháp" bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm riêng lẻ như hiện nay. Đồng thời, GELEX cũng không ngừng nhân rộng các mô hình kinh doanh thành công trong các lĩnh vực logistics, năng lượng tái tạo và bất động sản, kiên trì xây dựng một danh mục tài sản mang lại dòng tiền ổn định, lâu dài cho cổ đông.
Như vậy, có thể, Viglacera sẽ có một tương lai khá sáng khi ít nhất, ngoài các tiềm năng hiện tại thì công ty còn cung cấp được thêm các dịch vụ bổ trợ cho Gelex.