Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank cho rằng, các ngân hàng muốn tăng trưởng tín dụng, song không dễ. Nguyên nhân được ông đưa ra đó là, do sức hấp thụ của nền kinh tế yếu.
Ông nói: Mặc dù nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển song tập trung ở nhóm doanh nghiệp nước ngoài, các dự án lớn, đầu tư công. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân, chỉ 1-2% số doanh nghiệp tư nhân là có đủ sức phát triển, khu vực kinh tế tư nhân còn lại năm qua cực kỳ kiệt quệ. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, nhất là các ngân hàng cổ phần – phân khúc khách hàng chính là các ngân hàng tư nhân.
Tín dụng bán lẻ của tất cả các ngân hàng đều giảm, kể cả BIDV, VCB. "Vậy, nguyên nhân là do đâu, liệu có phải do các ngân hàng không muốn cho vay?", ông Vinh đặt vấn đề và khẳng định, lãi suất không còn là "điểm nghẽn" của tín dụng.
Tổng Giám đốc VPBank phân tích, trước đây, NHNN hô hào tiết giảm lãi suất . Hiện nay, nhiều ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất chỉ còn có 5,9%/năm. Vấn đề lãi suất là vấn đề thị trường, khi cung lớn hơn cầu, mà cầu yếu tự khắc lãi suất sẽ giảm. Nên lãi suất không còn là vấn đề đau đầu nữa.
Báo cáo của các ngân hàng cũng cho thấy, lãi suất bình quân hiện nay rất thấp. Có những nhóm phân khúc rủi ro cao hơn, các ngân hàng phải giữ lãi suất ở mức độ hợp lý. Do đó, theo ông Vinh không nên đưa ra thông điệp chung là tất cả đều phải giảm.
"Thực tế sức mua rất yếu, chẳng hạn cho vay mua nhà chiếm hơn 50% của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh trong năm 2023 và năm 2024 khó tăng khi dự án bất động sản mới không có", ông nói.
Thứ hai, cho vay tiêu dùng sụt giảm mạnh, với 16 công ty tài chính tiêu dùng nhưng trong năm qua dư nợ cho vay giảm hơn 20%, kể cả Fe Credit cũng khó tránh giảm. Điều đó cho thấy, nhu cầu vẫn có, song khả năng có thể vay, khả năng có thể chi trả giảm.
"Đấy là tất cả các yếu tố mà không thể nào muốn tăng nhiều thì cứ giảm lãi suất là tăng được", Tổng Giám đốc VPBank nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Giám đốc VPBank, trong năm qua phần lớn các ngân hàng đều siết chặt quản lý rủi ro, thắt chặt các điều kiện. Do đó, muốn tăng cho vay thì chỉ có giảm lãi suất và nới điều kiện. Đặc biệt, nhìn vào khu vực kinh tế tư nhân kiệt quệ, không ai muốn vay, không dám cho vay.
Thời gian qua, các ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp tháo dỡ khó khăn. Chính phủ cũng đã nhìn thấy và chỉ đạo tháo gỡ nhiều trong bất động sản, đầu tư công, năng lượng,… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi các ngân hàng đang đối phó với rủi ro đang gia tăng, ông Vinh nêu ra 2 kiến nghị.
Một là, cần gia hạn Thông tư 02 thêm thời gian khoảng 12 tháng so với quy định đến hạn vào tháng 6/2024 tới đây để tạo điều kiện cho khách hàng trong việc trả nợ.
Thứ hai, đề nghị NHNN tiếp tục làm đầu mối để làm việc với các cơ quan hỗ trợ để đưa các quy định về thu hồi nợ. Bởi theo ông Vinh, việc thu hồi nợ hiện nay gặp không ít khó khăn, nhất là đối với việc thu hồi nợ tín dụng tiêu dùng càng khó hơn nên nhân sự trong các bộ phận thu hồi nợ cũng sụt giảm mạnh. Riêng tại Fe Credit nhân viên thu hồi nợ giảm đến 50%. Các công ty thu hồi nợ bên ngoài tê liệt hết, hậu quả là tín dụng đen tăng lên.
"Chính sách không đồng bộ sẽ giết ngành tài chính tiêu dùng ", ông thẳng thắn đánh giá và đề nghị NHNN tiếp tục tháo gỡ, siết tín dụng đen và các hình thức kinh doanh bất hợp pháp; hỗ trợ các tổ chức tín dụng các ngân hàng trong hoạt động thu hồi nợ.
Ông Vinh cũng nêu thực tế, các nội dung của Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu trước đây không được thực hiện, sắp tới sẽ khó khăn trong tranh tụng trong các giao dịch xử lý tài sản đảm bảo đặc biệt là nhà đất. Đề nghị NHNN tập trung, coi đây là chủ đề hỗ trợ cho các ngân hàng, doanh nghiệp.