Lần đầu tiên, Công ty tư vấn bất động sản Savills giới thiệu về phân khúc bất động sản công nghiệp trong bối cảnh thị trường đầu tư công nghiệp đang bước vào giai đoạn khởi đầu. Xen lẫn những cái tên doanh nghiệp FDI là một cái tên Việt Nam - Vingroup với dự án Vinfast, quy mô sản xuất 500.000m2 tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng.
Nhắc đến tiềm năng của bất động sản công nghiệp, phải nhắc tới thương vụ mang tính bước ngoặt - giao dịch bán và cho thuê lại tại VSIP Park – Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore – với mức sinh lợi lên đến 10,7%. Đây là một mức sinh lời khá tốt, theo Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam Troy Griffiths, trong bối cảnh thị trường vốn đang ngày càng khan hiếm và so với mức lợi suất chỉ 5 - 6% của phân khúc văn phòng.
Nhắc đến Vingroup , ông Troy cho rằng đây là một trong những tập đoàn tiên phong sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
Ông cũng ví von Vingroup như Proton - hãng xe được thành lập năm 1985, từng là biểu tượng thành công của Malaysia, biến quốc gia này từ một nước chủ yếu lắp ráp xe cho nước ngoài thành một quốc gia mà 50% ô tô bán ra là thương hiệu "made-by-Malaysia".
"Hãy nhớ tới hãng xe Proton đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Malaysia như thế nào. Tôi tin giờ Vinfast cũng có thể làm được như vậy", ông Troy cho biết.
Proton đã khiến bộ mặt Malaysia thay đổi thế nào?
Proton từng là biểu tượng thành công của Malaysia.A nhr: The Sun Daily.
Proton là nhà sản xuất ô tô hàng đầu Malaysia. Trong những ngày tháng huy hoàng, Proton còn được coi như niềm tự hào dân tộc, dấu ấn đậm nét nhất của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad - người đã dẫn dắt đất nước trong suốt 2 thập kỷ, biến Malaysia thành một nước công nghiệp có thể sánh ngang với "những con hổ châu Á" như Hàn Quốc và Đài Loan.
Proton cũng có những bước đi rất thông minh khi xuất phát điểm ban đầu là liên doanh với hãng xe Nhật Bản Mitsubishi Motors, trong đó, phía Nhật Bản chiếm 30% cổ phần, tập đoàn nhà nước DRB-Hicom chiếm 70% cổ phần.
Việc hợp tác này đã mang lại nhiều lợi thế cho Proton khi chiếc xe hơi họ sản xuất ra giá cả phải chăng, made-by-Malaysia, với chất lượng, công nghệ của Nhật.
Proton chỉ sản xuất xe, trong khi Vingroup có cả một hệ sinh thái
Tỷ lệ nội địa hóa của các đời xe Proton tăng dần. Đến cuối những năm 1990, Proton có thể tự mình phát triển các mẫu xe mới và tung ra chiếc xe nội địa hóa 100% vào năm 2000. Với động thái này, Proton giúp Malaysia lọt vào nhóm 11 quốc gia trên toàn thế giới có thể tự thiết kế và sản xuất những chiếc xe ô tô đạt chuẩn quốc tế vào năm 2002.
Vì những sai lầm trong vấn đề tài chính, Proton đã phải bán phân nửa cổ phần cho hãng Geely đến từ Trung Quốc vào mùa hè năm 2017, đầu năm 2018 hãng xe này công bố thay CEO. Ông Li Chunrong trở thành vị CEO nước ngoài thứ 3 và là CEO Trung Quốc đầu tiên trong suốt 33 năm hình thành và phát triển của Proton, gánh trên vai trọng trách hồi sinh thương hiệu ô tô quốc gia của Malaysia.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận Proton đã giúp Malaysia tạo bước ngoặt trong tăng trưởng kinh tế, góp phần giúp Malaysia vươn lên thành nước công nghiệp.
Lấy câu chuyện của hãng xe Proton, ông Troy cho rằng Proton chỉ sản xuất xe, trong khi Vingroup có cả một hệ sinh thái.
Vinfast sẽ viết lên câu chuyện thế nào cho Việt Nam?
Quyết tâm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mỗi khi đầu tư một mảng mới đều thể hiện rất rõ: Đã làm phải làm lớn!
VinFast ra đời đã bắt tay với các đối tác từ Đức để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện hàng đầu khu vực, tuyển dụng nhân sự cấp cao từ General Motor, và mới đây là mở ra VinTech - đơn vị tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới.
Còn nhớ, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình từng nói: 90% giá trị một chiếc xe hơi nằm ở phần mềm. Với động thái mới đây của Vingroup có thể thấy rõ quyết tâm 100% giá trị xe đều do người Việt làm, từ phần cứng đến phần mềm, từ hạ nguồn tới thượng nguồn của chuỗi giá trị.
"Đây sẽ là câu chuyện rất thú vị. Chúng ta cứ chờ xem", ông Troy cười nói.