Tại Vietnam ICT Summit 2019 diễn ra ngày 8/6, lãnh đạo các ngân hàng đưa ra một số kiến nghị và cập nhật thực tế triển khai định hướng số hóa.
Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng nhận định với ngân hàng số, thế giới hiện nay mới bắt đầu định nghĩa rõ ràng. Các ngân hàng Việt Nam đang thực hiện đa kênh gồm Internet Banking, Mobile Banking… và chỉ dừng ở giai đoạn 2.0 - hợp kênh.
Nếu nói ngân hàng 4.0, theo ông Thắng, các nước khác chưa có khái niệm còn "nếu nói ngân hàng Việt Nam đang hướng đến 4.0 thì chúng ta có cơ hội”.
Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019. Nguồn: VOV
Ngoài doanh nghiệp, ông Thắng cho rằng ngân hàng cũng hoàn toàn có thể giữ vai trò “cầm cờ xung phong” vì là đơn vị quan trọng trong chuỗi tiền - hàng - tiền, tạo môi trường thanh toán an toàn nhất chuyển đổi thành tiền cho doanh nghiệp. Ngân hàng có đủ điều kiện về tiền, cơ sở và có thể gián tiếp tác động đến môi trường phát triển doanh nghiệp. Ông Thắng nhìn nhận khi doanh nghiệp phát triển sẽ cung cấp sản phẩm cho Chính phủ, tạo ra Chính phủ số, sau đó là xã hội số. “Đây là cơ sở để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích ngân hàng đi đầu chuyển đổi số, giải quyết các vướng mắc trong hệ thống”, Ông Thắng nói.
Việt Nam đang ở giai đoạn xây dựng các ứng dụng và tích hợp. LienVietPostBank hiện triển khai ứng dụng bao gồm ví điện tử, Internet Banking, thẻ. 3 loại hình này sẽ kết nối với nhau. Theo ông Thắng, ngân hàng có vai trò xung kích trong quá trình chuyển đổi số, trong khi đó, doanh nghiệp cũng có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0. Trong Liên minh chuyển đổi số mới được thành lập tại Vietnam ICT Summit 2019, các công ty hạ tầng sẽ đóng góp vai trò xây dựng nền tảng.
Sandbox là thuật ngữ về “khung điều chỉnh thử nghiệm”, môi trường để các cơ quan quản lý dễ dàng giám sát và bớt thời gian nghiên cứu thực nghiệm đưa ra các luật mới, khung pháp lý mới. Sandbox cho phép và khuyến khích tất cả các doanh nghiệp hoặc những dự án nằm trong box đó, đồng thời theo dõi, quan sát khả năng phát triển và những chuyển biến của các ứng dụng công nghệ như thế nào.
Người đứng đầu LienVietPostBank kiến nghị cần phải cho xây dựng "sandbox" ngay. "Chúng ta nói về ngân hàng số để thanh toán không tiền mặt nhưng chưa giải quyết được vấn đề 'nhét đống tiền mặt vào cái điện thoại', ở nông thôn thì không có chi nhánh ngân hàng trong khi muốn mở tài khoản, người dân phải đến tận các điểm này". Vì vậy, ông đề nghị doanh nghiệp đi đầu nhưng cũng cần tạo điều kiện cho ngân hàng "sandbox" càng sớm càng tốt.
Vietcombank lập Uỷ ban chuyển đổi số từ tháng 8
Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Vietcombank cho biết nhà băng đặt mục tiêu năm 2025 sẽ đứng số 1 về ngân hàng số tại Việt Nam, với mục tiêu lợi nhuận 2,5 tỷ USD. Để thực hiện được mục tiêu tham vọng trên, ngân hàng xác định chuyển đổi ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu. 2019 định hướng là năm chuyển mình của bắt đầu triển khai nhiệm vụ trên.
Để thực thi mục tiêu đặt ra, Vietcomabank xác định cần đi cùng người có kinh nghiệm, lựa chọn tư vấn hàng đầu về chuyển đổi ngân hàng số để song hành trong suốt quá trình.
Đại diện Vietcombank cho biết nhà băng đã quyết định mô hình ngân hàng số. Sau đó, ngân hàng đã quyết định được cơ cấu tổ chức và chính sách liên quan để thực thi số hóa. Vietcombank đặt ra 6 mục tiêu chính gồm: đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tăng cường tiền mặt, quản trị rủi robằng công nghệ số, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm được chi phí hàng năm, tăng hiệu quả và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Để làm được điều đó, trong ngày đầu tháng 8, ngân hàng đã chính thức thành lập ủy ban chuyển đổi số do Chủ tịch HĐQT trực tiếp đảm nhiệm Chủ tịch ủy ban. Ngân hàng cũng thành lập trung tâm chuyển đổi số, đây là bộ máy sẽ trực tiếp thực thi nghiệp vụ chuyển đổi số và giúp ủy ban chuyển đổi số, HĐQT của Vietcombank thực thi kế hoạch chuyển đổi số của ngân hàng trong năm 2019 và các năm tiếp theo.