"Tốc độ tăng trưởng hàng không tăng cao tạo ra khó khăn, áp lực về hạ tầng, khiến chuyến bay ngày càng kéo dài. Sau mỗi tháng, trung bình một chuyến bay Hà Nội - Tp.HCM kéo dài thêm 5 phút, nguy cơ chậm chuyến ngày càng lớn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và kinh tế", Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành nói như vậy tại toạ đàm Hàng không Việt Nam: Cơ hội và Thách thức.
Đề cập đến tốc độ phát triển hàng không Việt Nam trong thời gian gần đây, theo ông Thành, những năm đầu tăng trưởng hàng không Việt Nam ở mức 4-4% một năm, nhưng hiện tại, tốc độ này tăng lên đến 20%/năm. Với tốc độ tăng trưởng như vậy là quá nóng. Tuy nhiên, nóng hay không không phải là mấu chốt của vấn đề mà theo lãnh đạo hàng không, chính là việc gây áp lực lên hạ tầng vận tải. "Chúng tôi muốn hạ tầng được tháo gỡ để phát triển", ông Thành nói.
Trước ý kiến cho rằng hàng không đang tăng trưởng nóng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, dùng từ như vậy là chưa thật sự phù hợp. Thuật ngữ này có nghĩa tốc độ tăng trưởng vượt ngoài tầm kiểm soát, chỉ dùng từ "nhanh" là phù hợp.
Ông Thắng dẫn chứng, thời gian qua, thị trường hàng không Việt Nam có sự phát triển hết sức ấn tượng. Về thị trường, từ 2008 - 2019, chúng ta tăng trưởng bình quân 17,1% về hành khách, và 13,8% về hàng hoá.
So với năm 2008, năm 2019, sản lượng vận chuyển của chúng ta tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá. Riêng các hãng hàng không Việt Nam, so với năm 2008, tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá. Đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần. Mạng đường bay, so với 2008, đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,44 lần. Tốc độ tăng trưởng như vậy là nhanh, nhưng hợp lý.
"Vấn đề phải nhìn nhận tăng trưởng hàng không gắn chặt với tốc độ phát triển GDP. Tức là GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5% đến 2%. Ngược lại, nếu GDP giảm 1%, hàng không cũng sẽ giảm tương ứng. Như vậy, tăng trưởng của ngành hàng không của chúng ta không có gì ngạc nhiên mà đồng hành với nền kinh tế của đất nước", ông Thắng khẳng định.
Lãnh đạo Cục Hàng không cũng cho rằng, trong quá trình tăng trưởng vừa qua, thị trường hàng không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của quản lý nhà nước. Chúng ta đã tạo ra một thị trường lành mạnh, có sự cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách cả về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ. Đi đôi với tăng trưởng, công tác đảm bảo an ninh an toàn giữ vững.
"Chúng ta đang bước sang năm thứ 24 an toàn tuyệt đối không có tai nạn máy bay gây thiệt hại về người, không có vụ việc nghiêm trọng về an ninh hàng không không nhiều quốc gia có chỉ số tốt như chúng ta. Công tác quản lý nhà nước được đảm bảo, hàng không vẫn làm ăn có lãi phát triển tốt", ông Thắng khẳng định.
Với vai trò là đơn vị cung cấp hạ tầng, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV cho rằng nếu kiểm soát được an ninh an toàn thì càng nóng càng tốt.
Năm nay, số lượng slot cấp cho các hãng tại Tân Sơn Nhất chỉ tăng 2 - 3%. Không phải các hãng không có nhu cầu bay vào, mà là vì vấn đề an toàn nên buộc phải hạn chế. Nhà ga chịu khó chật chội một chút không vấn đề gì nhưng kẹt ở ngoài khu bay vì vấn đề an toàn. Rất tiếc vì Tân Sơn Nhất không thể nóng hơn được nữa vì vấn đề hạ tầng, vấn đề kiểm soát an toàn khai thác. Nếu kiểm soát tốt an ninh an toàn, chúng tôi rất muốn tăng trưởng nóng", Chủ tịch ACV nói.