Vị trí cửa hàng Kem Thủy Tạ được cho là “siêu kim cương” khi cửa hàng nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. |
Thua xa Kem Tràng Tiền
Cùng với Kem Tràng Tiền, thương hiệu kem Thủy Tạ của Công ty Cổ phần Thủy Tạ (TTJ) cũng rất phổ biến và trở thành một phần văn hóa tại thủ đô. Trước đây, kem Thủy Tạ và kem Tràng Tiền đều được phân phối “tại chỗ”. Nghĩa là muốn thưởng thức những sản phẩm này, thực khách phải tới tận cửa hàng.
Trong nhiều năm gần đây, sau khi bị Ocean Hospitality thâu tóm, Kem Tràng Tiền được đa dạng hóa kênh phân phối. Thay vì bán tại chỗ, Kem Tràng Tiền đã xuất hiện tại hệ thống Ocean Mart (nay là Vinmart) và nhiều cửa hàng mặt phố khác. Trong khi đó, Kem Thủy Tạ vẫn trung thành với kênh phân phối truyền thống của mình.
Vì vậy, hiện tại, xét vị trí, Kem Thủy Tạ có lợi thế vượt trội so với Kem Tràng Tiền. Nếu Kem Tràng Tiền nằm ở mặt phố Tràng Tiền, vị trí vốn được đánh giá là “đất kim cương” ở Hà Nội thì “chỗ ở” của Kem Thủy Tạ lại là “siêu kim cương” khi cửa hàng một mặt nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, một mặt nhìn ra phố Lê Thái Tổ - con phố sầm uất và là trung tâm của trục phố đi bộ ở Hà Nội.
Thế nhưng, xét về lợi nhuận, Kem Thủy Tạ đã bị Kem Tràng Tiền bỏ xa. Theo báo cáo tài chính năm 2017 của TTJ, lợi nhuận sau thuế 2017 của TTJ chỉ đạt 5,8 tỷ đồng, giảm 1,6 tỷ đồng, tương ứng 21,6% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 của TTJ đạt 6,3 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền không công bố báo cáo tài chính nhưng những gì Kem Tràng Tiền mang lại cho công ty mẹ Ocean Hospitality cho thấy lợi nhuận Kem Tràng Tiền thu được hơn hẳn Kem Thủy Tạ. Cụ thể, lợi thế thương mại Ocean Hospitality có từ Kem Tràng Tiền trong các năm gần đây luôn dao động từ 60-70 tỷ đồng, cao gấp 10 lần lợi nhuận của TTJ.
Phụ thuộc vào kem
Nhắc tới Thủy Tạ là người ta nhớ kem. Thế nhưng Công ty Cổ phần Thủy Tạ không chỉ có kem. Ngoài kem, TTJ còn sở hữu nhiều nhà hàng sang trọng như Nhà hàng Đình Làng (ẩm thực truyền thống), Nhà hàng Mamarosa (ẩm thực Âu - Ý) và Nhà hàng Long Vân (đồ ăn nhanh, giải khát). Các nhà hàng này đều nằm ở vị trí đắc địa tại Hà Nội.
Dù vậy, TTJ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào kem. Tuy nhiên, trong năm 2017, mức độ phụ thuộc vào kem đã giảm nhẹ. Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2017 của TTJ, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2017 của TTJ đạt 103 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng, tương ứng 6,4% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu từ kem đạt 48 tỷ đồng, chiếm 46,6% tổng doanh thu. Tỷ lệ này năm 2016 là 49%.
Kem và nhà hàng là hai lĩnh vực mang lại biên lợi nhuận rất cao cho TTJ. Trong năm 2017, biên lợi nhuận của kem là 56,6% nhưng biên lợi nhuận của nhà hàng lên tới 162%. Có lợi thế như vậy nhưng TTJ lại khiến cổ đông thất vọng khi báo lãi rất khiêm tốn, chỉ đạt vài tỷ đồng mỗi năm.
Lãnh đạo vung tay quá trán
Doanh thu cao, biên lợi nhuận rất cao nhưng lợi nhuận của TTJ lại teo tóp. Nguyên nhân là do dàn lãnh đạo công ty vung tay quá trán. Trong nhiều năm, TTJ luôn dành quỹ lương rất lớn cho hoạt động bán hàng. Chi phí bán hàng năm 2017 lên tới gần 35 tỷ đồng, cao gấp 6 lần lợi nhuận sau thuế. Những con số này năm 2016 là 39 tỷ đồng và 5,3 lần.
Năm 2017, TTJ có xu hướng cắt giảm chi phí bán hàng nhưng lại tăng chi phí quản lý doanh nghiệp. Chi phí này tăng từ 2,1 tỷ đồng năm 2016 lên 2,8 tỷ đồng.
Không chỉ có vậy, trong nhiều năm liền, dàn lãnh đạo TTJ đã chi tiền lương vượt đơn giá. Tại thời điểm cuối năm 2017, số chi vượt lũy kế lên tới gần 12 tỷ đồng. Tổng các khoản chi vượt được chuyển vào khoản phải thu khác.
Đây là con số rất lớn vì lương bình quân tại công ty này chỉ đạt khoảng 5,5 triệu đồng tới 5,8 triệu đồng/người/tháng. Với số lượng nhân viên khoảng 350 người, mức chi tổng lương tại TTJ khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm. Thu nhập của lãnh đạo cũng không quá cao. Trong năm 2017, Hội đồng Quản trị và ban điều hành được trả lần lượt 357 triệu đồng và 719 triệu đồng, bình quân mỗi người nhận 5,95 triệu đồng/người/tháng và 20 triệu đồng/người/tháng.
Thù lao của người lao động và lãnh đạo TTJ tương đối thấp. Vì vậy, con số chi lương thừa tới 12 tỷ đồng của TTJ đã đặt ra nhiều dấu hỏi lớn.
Bảo Linh