Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Theo đó, cụm từ "chuyển đổi số" (Digital transformation) được nhắc đến nhiều hơn như một xu hướng bắt buộc để thành công với nhiều doanh nghiệp. Giới phân tích nhận định, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, nếu đứng ngoài, doanh nghiệp sớm muộn sẽ thất bại khi không thể đưa doanh nghiệp phát triển nhanh và mạnh.
Mặc dù vậy, theo một thống kê tính đến hiện tại, chỉ hơn 50% doanh nghiệp đồng ý cách mạng 4.0 có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Chưa kể, chỉ đạt tỷ lệ 6,6% doanh nghiệp có thể chuyển đổi ngay lập tức, thậm chí ghi nhận đến hơn 31% đơn vị gần như không làm gì trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Theo đó, câu hỏi đang được đặt ra nhiều nhất lúc này là "Có doanh nghiệp nào hay có loại hình kinh doanh nào mà không cần chuyển đổi số không?", và "chuyển đổi số liệu có mất tính minh bạch không?".
Chuyển đổi số không phải cái gì quá phức tạp hay hoành tráng, mà chỉ là những hành vi cực kỳ nhỏ
Tham gia tham luận tại Shark Tank Seminar 2019 với chủ đề Chuyển đổi số hay là chết, Shark Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech – cho rằng chuyển đổi số không phải cái gì quá phức tạp hay hoành tráng, mà chỉ là những hành vi cực kỳ nhỏ.
"Theo định nghĩa thì chuyển đổi số là sự ứng dụng liên tục các công cụ số vào mọi mặt kinh doanh của doanh nghiệp. Các thầy chùa bây giờ họ cũng dùng Zalo, Facebook chat với nhau. Cách đây gần 10 năm tôi có lần bị CSGT phạt và họ cũng bắt đầu dùng Zalo để chuyển đổi những ảnh đấy. Đó là chuyển đổi số. Không có gì to tát", Shark Bình lấy ví dụ.
Trở lại câu hỏi liệu có doanh nghiệp nào tồn tại mà không cần chuyển đổi số, phân trần trong khoảng thời gian đến 5 phút và rất cố gắng suy nghĩ, Shark Bình khẳng định vẫn chưa thể nghĩ ra bất kỳ mô hình kinh doanh nào mà không cần công nghệ.
"Thực ra tôi có nghĩ đến một mô hình nhưng sau đó tôi lại tự phản tỉnh, chuyện Chùa Ba Vàng, khi có scandal là sư lên mạng livestream luôn, họp báo online luôn, có cả vạn người theo dõi. Đấy là ví dụ, đấy là chuyển đổi số", Shark Bình nhấn mạnh.
Như vậy, chuyển đổi số theo người trong cuộc là một xu hướng tất yếu, tuy nhiên hiện Việt Nam tỷ lệ thực hiện thành công vẫn còn khá khiêm tốn. Có rất nhiều nguyên nhân cho thực trạng này, do tư duy của doanh nghiệp về chuyển đổi số chưa thực sự cần thiết, khó khăn trong việc chuyển đổi liên quan đến chi phí, nhân sự… đặc biệt với những đơn vị quy mô vốn nhỏ, những công ty SME.
Xuất thân trong lĩnh vực công nghệ, và là nhà đầu tư có khẩu vị ưu ái về công nghệ tại Shark Tank Việt Nam, Shark Bình gửi gắm thông điệp, muốn chuyển đổi số trước tiên là bạn phải có ý thức về lĩnh vực đó.
Thực tế, chúng ta đang làm hàng ngày mà chúng ta không biết; để rồi khi nghe về chuyển đổi số 4.0 chúng ta rất mông lung, Shark Bình nêu vấn đề. Chưa kể, có một hiện tượng là các nhà truyền thông vô hình chung đang làm câu chuyện trở thành rất phức tạp, khiến mọi người cực kỳ sợ cách mạng chuyển đổi. Trong khi đó, chuyển đổi số đơn giản chỉ là sử dụng công cụ, phần mềm công nghệ, kỹ thuật trong tất cả mọi mặt kinh doanh.
Ví dụ như dùng Zalo để chat hoặc dùng một ứng dụng để giao việc - đó là chuyển đổi số. Hay chúng ta đang dùng phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm kế toán - đó là một phần của chuyển đổi số.
"Tất nhiên, chúng ta còn đang chuyển đổi số khá lỏm chỏm, nhưng bây giờ chúng ta vẫn đang cố gắng ứng dụng thêm, tìm thêm những mặt khác của doanh nghiệp – cái mà quy trình còn thực hiện trên giấy hay thông qua truyền miệng - để áp phần mềm để số hóa... Đấy chính là chuyển đổi số, một cách làm rất đơn giản", vị này khẳng định.
Chuyển đổi số là khi mọi quyết định đều dựa trên số liệu, không còn xuất phát từ cảm tính
Đưa ra 4 lời khuyên cho doanh nghiệp để đỡ phải lúng túng trước công cuộc chuyển đổi số, Shark Bình chia sẻ:
+ Thứ nhất: Doanh nghiệp nên dùng nền tảng, dịch vụ, phần mềm online sẵn có; có thể là phần mềm điều hành, giao việc mà không phải dùng điện thoại hay giao bằng miệng nữa; lãnh đạo lúc này không còn sợ nhớ nhớ quên quên vì đã có Apps nhắc nhở.
Tuy nhiên có một mấu chốt, muốn thực hiện thành công thì chính quản lý doanh nghiệp cần phải tự dùng, tự khám phá các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp. Phần mềm được thiết kế cho bất kì ai cũng sử dụng được, rất đơn giản, và lãnh đạo doanh nghiệp phải sử dụng trước, thậm chí nên sử dụng hàng ngày để cảm nhận, sau đó mới áp cho cả hệ thống công ty.
+ Thứ hai: Doanh nghiệp nên tìm đối tác để chuyển đổi số, hoặc có thể tìm một đơn vị tư vấn. Shark Bình cũng lưu ý khâu này thực tế hơi khó để thực hiện, vì rất dễ tìm phải nhiều chuyên gia "lởm"!; và điều này chỉ khả thi với những doanh nghiệp quy mô vốn lớn, quan hệ rộng.
+ Thứ ba: Doanh nghiệp có thể nghĩ đến chuyện "săn đón" giám đốc cao cấp về công nghệ. Lấy ví dụ chuyến tham dự APEC tại Mỹ cách đây vài năm, Shark Bình biết được thông tin tổng thống Obama cũng có tuyển cho mình giám đốc kĩ thuật, giám đốc công nghệ.
+ Thứ tư: Đây cũng là bước cuối cùng khi doanh nghiệp không tìm được cách nào, chúng ta nên tìm đến "tri kỉ" của chuyển đổi số. Tri kỉ là ai? Tri kỉ là những doanh nghiệp công nghệ, giống như NextTech, Shark Bình nhấn mạnh, "nhưng tri kỷ lúc này không chăm chăm vì tiền của doanh nghiệp, thay vào đó khi doanh nghiệp cắt giảm được chi phí hoặc tăng doanh thu thông qua phần mềm mới, thì phần giá trị gia tăng đấy hai bên chia đôi. Đấy mới gọi là tri kỉ".
Đặc biệt, lời khuyên cuối cùng theo Shark Bình là phù hợp với các doanh nghiệp SME; bản thân NextTech cũng liên tục tìm tri kỉ, bằng cách hướng đến những doanh nghiệp đang khó khăn nhưng có mô hình kinh doanh tốt.
Cuối cùng, nhận định liệu chuyển đổi số có đi đôi với sự minh bạch, vị "cá mập" được cho là "phủ" nhất Shark Tank mùa 3 phân trần: "Chuyển đổi số gắn liền với số liệu và tất cả các bộ phận. Lúc này, chúng ta nói gì, đưa ra quyết định gì đều phải dựa trên số liệu, dữ liệu".
Thực tế, có 2 điểm khác biệt giữa doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp số, đó là doanh nghiệp truyền thống đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và cảm tính, còn doanh nghiệp chuyển đổi số đưa ra quyết định dựa trên chứng minh và dữ liệu, số liệu. Với số liệu, lập tức mọi thứ trở nên minh bạch. Còn nếu tiếp tục lập kết luận dựa trên cảm tính thì vẫn còn chưa đủ minh bạch, Shark Bình chốt.