"Ngủ đông" là trạng thái hạ thân nhiệt có điều hòa ở động vật để giảm mức trao đổi chất, tiết kiệm năng lượng. Các hoạt động cơ thể, bao gồm thở, nhịp tim, thân nhiệt và quá trình trao đổi chất đều giảm xuống. Hiện tượng này xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần giúp cho động vật tiết kiệm năng lượng trong mùa đông, hoặc vượt qua những đêm băng giá trên núi cao.
Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, khi doanh thu giảm sút hoặc không có, nhiều ý kiến cho rằng một số doanh nghiệp nên "ngủ đông", nghĩa là tạm nghỉ để cơ cấu lại và sẵn sàng bật dậy để phát triển sau đó.
Tuy nhiên Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Nexttech lại thẳng thắn phản đối quan điểm này.
"Con gấu ngủ đông hàng tháng trời, nếu tỉnh dậy không tiếp tục có lương thực nạp vào thì nó sẽ chết thật. Vì vậy, doanh nghiệp phải tiếp tục bán hàng, không thể buông xuôi, đóng cửa 'ngủ đông' rồi chờ dịch đi qua được", Shark Bình chia sẻ tại sự kiện online "Chiến lược thời khủng hoảng Covid - Bán hàng hay là chết" tổ chức sáng 24/3.
"Nếu đầu hàng, chấp nhận tình thế hiện tại, đến lúc dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp của bạn đã bị ỳ rồi, không thể thích ứng tiếp được nữa, khả năng lúc đó sẽ ‘chết’ thật".
Đồng tình với Shark Bình, CEO Đỗ Hữu Hưng của Accesstrade Việt Nam cho rằng khách hàng không bao giờ chờ đợi doanh nghiệp. Nghĩa là "anh không phục vụ sẽ có người khác phục vụ. Anh không tích lũy khách hàng, tích lũy lòng tin, sản phẩm, dịch vụ,... thì chắc chắn anh thua chứ không có chuyện ngủ đông xong rồi quay lại mọi thứ sẽ tốt đẹp".
Đồng tình với nhận xét mở rộng này, Shark Bình thừa nhận trong khi bạn "ngủ đông", nếu các đổi thủ vẫn bền bỉ tìm hướng khắc phục, thì lúc quay lại, bạn sẽ mất hết chẳng còn gì, từ mặt bằng, nhân viên, tới khách hàng.
"Dù khủng hoảng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải tiếp tục quyết tâm lao vào bán hàng", cá mập đến từ Nexttech nhận định.
Từ đó, ông đưa ra 3 nhóm giải pháp thúc đẩy hoạt động bán hàng với 3 mô hình cụ thể như sau.
1. Mô hình sales tại chỗ (các cửa hàng offline ngoài mặt phố)
Với các shop bán lẻ thời trang, đổ gia dụng,... triệt để phát triển kênh online thông qua quảng cáo, mạng xã hội, trực tiếp gọi điện cho khách hàng,... Nếu nhân viên kinh doanh thiếu việc làm có thể chuyển họ thành nhân viên giao hàng, kết hợp tư vấn, bán hàng cho khách.
Với khối F&B như nhà hàng, quán ăn, thực hiện triệt để giao hàng tận nơi. Các spa, massage, dịch vụ khác có thể chuyển thành hình thức phục vụ tại nhà. Các cơ sở giáo dục chuyển sang hình thức dạy học online.
Đây cũng là lúc các doanh nghiệp nhìn nhận lại tầm quan trọng của CRM - Phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (Customer relationship management). Nếu đã lưu lại thông tin khách hàng trên CRM thì hãy tận dụng để tiếp thị bán hàng, còn chưa có thì cần ứng dụng ngay vì "khách hàng chính là nguồn tài nguyên quý giá nhất".
2. Direct sales (gặp mặt trực tiếp khách hàng)
Nếu trước đây để ký hợp đồng, nhân viên sales phải hẹn gặp khách hàng tại quán cà phê hay trụ sở công ty thì nay, họ vẫn tiếp tục hẹn nhưng việc gặp nhau sẽ thực hiện thông qua các ứng dụng gọi video: Zoom, Teamview, Ultraview, Skype, Google Hangout...
Giai đoạn này, khách hàng có nhiều thời gian nên cơ hội bán hàng tốt hơn nhờ các công cụ công nghệ chuyển đổi số như vậy.
3. Telesales (bán qua điện thoại)
Nếu đội ngũ sales qua điện thoại tương đối đông thì doanh nghiệp cần sử dụng các ứng dụng quản lý bán hàng online, kết hợp tích hợp tổng đài để Telesales làm việc tại nhà, dashboard báo cáo Real Time,... Ngoài ra có thể cân nhắc thuê ngoài các Telesales nhàn rỗi.
Nhìn chung trong giai đoạn này, khi doanh nghiệp đang chuyển dần hoạt động tại văn phòng sang làm việc online, Shark Bình cho rằng nên đánh giá người lao động dựa trên KPI và các mô hình quản lý năng suất lao động, thay vì quản lý theo thời gian làm việc.
"Dù dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục bán hàng nếu không các bạn sẽ ‘chết’ vì đói trước khi ‘chết’ vì virus. Đây cũng là giai đoạn bắt buộc phải sử dụng các giải pháp chuyển đổi số, như tôi vẫn nói, chuyển đổi số hay là chết", Shark Bình nhấn mạnh.