Cuối tháng 3, Tổng cục Thống kê đã ghi nhận con số gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, là con số kỷ lục từ trước đến nay. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lớn hơn số lượng thành lập mới.
Cũng theo khảo sát mới đây của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, có đến 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019 và nếu dịch bệnh căng thẳng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Tại buổi giao lưu trực tuyến với Trí thức trẻ hôm nay (13/4), ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công nhận định, doanh nghiệp đã bắt đầu “thấm”.
Theo ông Hồng Anh, các con số thống kê của VCCI rất gần với thực tế vì Hiệp hội Doanh nhân trẻ cũng đã có một số thống kê tương tự. "Tôi nghĩ tất cả doanh nghiệp trên thế giới đàn lần đầu tiên gặp phải cảnh này và chúng ta không có kinh nghiệm đối phó. Thực sự là dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nghiệp đã bắt đầu "thấm" rồi", ông chia sẻ.
Các ngành nghề như du lịch, hàng không đều đang sụt giảm doanh thu, sắp tới sẽ là các ngành nghề khác. Ông Hồng Anh dự báo, 2 tháng tới sẽ là đến lượt ngành ngân hàng, cũng sẽ rất "thấm" tác động của Covid-19.
Các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ khách hàng, nhưng về thực tế, ngân hàng cũng là những doanh nghiệp, phải cân nhắc các rủi ro khi giãn nợ hay giảm lãi suất đều tác động đến hiệu quả hoạt động ngân hàng. Do đó, bộ phận lớn doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của ngân hàng.
Shark Đặng Hồng Anh chia sẻ thực tế: “Doanh nghiệp muốn giảm lãi, có gửi văn bản yêu cầu hỗ trợ, nhưng cũng kéo dài khoảng hơn 1 tháng, nếu không tác động thì ít khi được trả lời. Hầu như phía ngân hàng sẽ nói là cũng có nhiều doanh nghiệp đăng ký và đang xem xét tiêu chí”. Với giãn nợ cũng vậy, ngân hàng đồng ý giãn nợ cho doanh nghiệp, nhưng nếu giãn nợ thì rất dễ có khả năng bị chuyển nhóm nợ và khó vay mới. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp cũng tự nhủ “thôi để đó, cố gắng trả để còn được vay mới”.
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền tảng, điều kiện, tích lũy tư bản chưa có nhiều. Trong mùa dịch mà không có kế hoạch hậu dịch phát triển công ty thì đi vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ, và lại ảnh hưởng đến ngân hàng.
"Tôi khuyên doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kế hoạch tốt hậu dịch thì không nên vay. Doanh nghiệp có nền tảng, điều kiện ổn định hơn, tốt hơn, thanh khoản hơn thì kiếm dự trữ mới thật tốt, trong nguy có cơ, sau dịch thị trường ổn định rồi thì hồi phục lại. Giải pháp tài chính tốt sẽ như lò xo bật lại, phát triển tốt hơn, cân bằng lại giai đoạn khó khăn", ông Hồng Anh nêu kiến nghị.
Chính sách cho vay của các ngân hàng, theo ông Hồng Anh là khá tốt, nhưng các doanh nghiệp phải có tiếp cận từ 2 phía. Bản thân doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh, chuẩn bị mọi điều kiện để khi dịch đi qua có thể bắt tay vào kinh doanh và phục hồi trở lại.
Ông cũng kỳ vọng các ngân hàng sẽ có chỉ thị quyết liệt hơn để quá trình hỗ trợ diễn ra nhanh hơn. Trong đó, ông đề xuất NHNN có tổng đài SOS cho doanh nghiệp. Nếu các điều kiện chính đáng của họ mà NHTM không giải quyết thì xử lý như thế nào.