Trong lần ra mắt nhà đầu tư mới của Shark Tank tại Hà Nội, các shark đã có dịp chia sẻ về các thất bại của startup trong quá trình khởi nghiệp cũng như các góc khuất đằng sau chương trình Thương vụ bạc tỷ.
Mặc dù ban đầu chỉ có ý định "ghé qua chương trình trên đường ra sân bay", song Shark Dzung Nguyễn, giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan vẫn được ban tổ chức mời ngồi lên diễn đàn chia sẻ ý kiến về các khoản đầu tư trong chương trình Thương vụ bạc tỷ.
Khi được hỏi có điều gì tiếc nuối trong quá trình ra quyết định đầu tư, cá mập trong lĩnh vực công nghệ cho rằng mọi thứ đều phải "vạn sự tùy duyên". Có những công ty và các founder (nhà sáng lập) 2 năm - 10 năm sau khi gặp anh mới đầu tư, nhưng cũng có khi thời điểm đến thì chỉ quyết định trong đúng một tuần.
"Mọi người chỉ nhìn vào tại sao các shark không đầu tư mà không nhìn lại trường hợp startup không nhận tiền đầu tư của shark. Trong suốt chương trình, có tới 4/7 deal trên truyền hình tôi quyết định đầu tư nhưng startup chủ động từ chối vì họ nói giá trị doanh nghiệp của em nhận trước đây cao hơn của anh rồi, em không thể nhận của anh được. Tôi bị từ chối nhưng tôi phải im lặng. Tôi cũng không tiếc nuối vì nếu hai bên cảm thấy thoải mái thì mình mới làm việc được, còn không thì không nên cố làm gì.
Mục tiêu của tôi lên chương trình ngoài việc tìm một số startup có thể đầu tư, cũng giống như các shark còn lại, tôi muốn truyền về tinh thần khởi nghiệp, truyền những kiến thức mà các startup trước đây còn rất bỡ ngỡ. Thời điểm 6-7 năm về trước có những startup chưa bao giờ nhìn thấy term sheet (điều khoản mà nhà đầu tư đặt ra yêu cầu với các startup). Những kiến thức đó không dễ dàng để mà có, tôi đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, và những kiến thức tôi truyền lại cho các startup có giá trị lớn hơn nhiều từng deal riêng lẻ", Shark Dzung chia sẻ các góc khuất đằng sau chương trình.
Một ví dụ điển hình là trường hợp của Abivin, nền tảng đưa ra thuật toán giải bài toán định tuyến logistic do hai founder là Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh đã gọi vốn được 200.000 USD từ Shark Dzung trong mùa 2. Tuy nhiên cuối cùng thương vụ này đã không chốt được deal và Abivin nhận vốn từ một nhà đầu tư nước ngoài khác.
Shark Dzung thẳng thắn thừa nhận, từ đầu mùa đến giờ anh chưa chốt deal nào và "không muốn chốt deal để cho vui". Có thể cả mùa cá mập công nghệ chỉ quyết định xuống tiền 1-2 thương vụ và anh "không muốn bị startup từ chối".
Chia sẻ về các tiêu chí đầu tư, Shark Dzung cho rằng các yếu tố đánh giá một startup sẽ bắt đầu từ ngành, con người, thời điểm và cuối cùng mới là business model.
"Thị trường phải đủ lớn, khi đó mình chỉ cần cưỡi sóng là đi lên. Nếu thị trường rất nhỏ, mình cố gắng bao nhiêu cũng không đạt được những gì mình mong muốn.
Thứ hai là con người. Có ý kiến cho rằng ý tưởng đó chẳng có gì mới, tại sao công ty đó lại thành công, vì họ gặp may? Quan trọng là một team có khả năng thực thi, và founder có sẵn sàng lắng nghe hay không, có sẵn sàng dùng các KPI để làm thước đo đánh giá hay không vì mọi thứ phải được định lượng bằng các thông số chỉ tiêu và phải có lịch sử để kiểm chứng. Thông qua đó mới biết khả năng startup này có thành công hay không".
Thứ ba là thời điểm. Shark Dzung dẫn chứng thời kỳ năm 2009 khi mạng xã hội bùng nổ các social game phát triển rất mạnh, có những công ty sau một năm giá trị được định giá lên tới hàng trăm triệu USD. Như trường hợp của Tumblr, mạng xã hội thu nhỏ ở thời điểm năm 2013 bán cho Yahoo với giá 1,1 tỷ USD, sau đó Tumblr bị bán lại cho Automattic (chủ sở hữu của Wordpress) với giá dưới 3 triệu USD, điều này có nghĩa rằng ngay cả với các công ty tỷ USD thì chuyện thất bại luôn xảy ra thường trực.
Trong quá trình đầu tư, các nhà đầu tư sẽ đánh giá khoản đầu tư này sau 5,7 năm hoặc 10 năm có thu hồi vốn được hay không. Nếu định giá quá cao ở thời điểm ban đầu, ví dụ định giá công ty 50 triệu USD sau 10 năm lên 250 triệu USD, tức là gấp 5 lần. Nhưng có một công ty định giá 2-3 triệu USD sau 10 năm tăng lên 30 triệu USD, gấp 15 lần thì ngay cả thời điểm ban đầu sản phẩm có thể chưa hoàn chỉnh nhưng nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vì nếu mất thì thiệt hại cũng nhỏ hơn rất nhiều nếu rót tiền vào các công ty bị định giá quá cao.