Câu chuyện của Món Huế ở thời điểm này đã trở thành case study cho hoạt động kinh doanh chuỗi. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch tập đoàn CenGroup, người đang rót vốn cho rất nhiều công ty startup với vai trò nhà đầu tư (shark) đã lên tiếng về sự sụp đổ của thương hiệu này.
Trả lời báo Diễn đàn doanh nghiệp, Shark Hưng chia sẻ founder đầu tiên của Món Huế là một Việt Kiều Mỹ gốc Huế, anh ấy đã bán lại cho người chủ sau này với giá chỉ 1-2 triệu USD, khi đó hệ thống không lớn như bây giờ. Anh ấy đã gửi tâm hồn và tâm huyết của mình vào món ăn khiến sản phẩm cực ngon. Tuy nhiên việc thay đổi cơ cấu cổ đông đã dẫn đến kết cục của Món Huế sau này khiến rất nhiều người tiếc nuối một thương hiệu.
Theo Shark Hưng, những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Món Huế phải chỉ ra ở đây, đó là giá trị sản phẩm cốt lõi đã không còn giữ được như ban đầu. Thứ hai là bản thân các món ăn mang tính địa phương, dân tộc, cổ truyền khó có thể nhân rộng quy mô thành chuỗi. "Ở Việt Nam duy nhất có một nhà hàng được ghi vào trong cuốn sách hướng dẫn khi đến Việt Nam buộc phải thử, có thương hiệu trên 100 năm là chả cá Lã Vọng. Họ có mở thêm 1 cửa hàng ở Ba Đình nhưng không thành công", Shark Hưng nhận định.
Ông Hưng cho rằng "có thể hệ thống Món Huế sập, các cổ đông có thể mất tiền nhưng chủ món Huế chưa chắc đã mất tiền vì ít nhất những người tôi biết họ bán rất được giá. Lần bán cuối cùng lên tới 70 triệu USD cho hàng trăm cửa hàng. Sau khi bán với giá 70 triệu USD thì người mua sau này họ sẽ làm gì với thương hiệu này?".
Khi các nhà đầu tư tài chính chiếm quá lớn thì người vận hành không còn quyền lợi, không còn động lực sáng tạo và đây là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến cái kết của Món Huế ngày hôm nay.
Như câu chuyện của Phở 24, khi bán lại thương hiệu cho doanh nghiệp nước ngoài, người bán thành công nhưng người mua lại hỏng. Món Huế, Phở Hùng... đều gặp vấn đề tương tự. Đối với mô hình này, việc đầu tư phát triển chuỗi đã khó, việc quản trị còn khó hơn rất nhiều khi tính chất nó phụ thuộc lớn vào con người. Shark Hưng cho biết ông không thích đầu tư vào các sản phẩm mang tính chất truyền thống, phụ thuộc quá nhiều vào con người vì khi con người đó rút ra rồi thì không còn có ý nghĩa gì nữa.
Theo Shark Hưng, các bạn khởi nghiệp đang kêu gọi vốn đừng quá cố gắng gọi số lượng vốn lớn mà hy sinh tỷ lệ sở hữu của mình. Gọi vốn bằng cách bán cổ phần là trường hợp cực chẳng đã, phải nghĩ đến cuối cùng vì vốn của chủ sở hữu là thứ quan trọng nhất, quyết định đến quyền trong quản trị của mình.
"Trong quản trị doanh nghiệp có khái niệm "Tam Đối": Đối nhân, đối vốn, và đối tác. Đối nhân là quan trọng nhưng đối vốn quan trọng hơn bởi tất cả các vấn đề liên quan đến quản trị là liên quan đến đối vốn. Ai vốn lớn là người có quyền quyết định, có quyền chi phối. Vợ chồng với nhau thậm chí còn không thống nhất được huống hồ là 4 – 5 người", Shark Hưng chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp.
Ở góc độ khác, hôm nay đã quá thời gian Món Huế cam kết trả tiền cho các nhà cung cấp tuy nhiên các nhà cung cấp vẫn chưa thể liên lạc được với ban lãnh đạo công ty. Một, hai nhà cung cấp cho biết họ được trả vài chục triệu "nhỏ giọt" nhưng vẫn không đúng như cam kết. Trong khi đó hàng trăm nhà cung cấp khác vẫn đang ngồi trên đống lửa.
Trong khi đó, nhóm các nhà đầu tư nước ngoài xác nhận rằng nhân vật bà K.H xuất hiện trên truyền thông những ngày qua tuyên bố muốn mua lại Món Huế, thực chất không có liên hệ gì với nhóm các nhà đầu tư. "Chúng tôi không rõ ai là bà KH, và bà này đương nhiên không có liên hệ gì với nhóm cũng như hoạt động tố tụng đang được triển khai. Theo ý kiến của chúng tôi, đây có thể là một nỗ lực yếu ớt nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi vụ việc lừa đảo lớn được gây ra bởi Chủ tịch Công ty - ông Huy Nhật, bà Hạnh Ngô và các cộng sự của mình. Trong trường hợp giả định này không chính xác, chúng tôi đề nghị mời bà KH lên tiếng xác minh bản thân và liên hệ với nhóm các nhà đầu tư", thông cáo tuyên bố.