Câu chuyện xung đột giữa founder và nhà đầu tư, câu chuyện startup bị "nuốt trọn" sau thời gian nhận vốn…không phải là mới trong giới khởi nghiệp. Tuy nhiên, những câu chuyện ấy tiếp tục được làm nóng lên tại sự kiện về gọi vốn tổ chức tại TP HCM thời gian gần đây.
Xuất hiện trong chương trình, chị Lê Hạnh, CEO TVHub, Giám Đốc Sản Xuất Shark Tank Việt Nam cho biết cách đây 11 năm, chị cũng là founder của một startup. Vì đã từng có kinh nghiệm làm việc với một quỹ đầu tư dưới tư cách founder nên chị thừa nhận "nhiều founder có mong muốn nhà đầu tư cho tiền vào để bay bổng với ước mơ của mình".
CEO Lê Hạnh.
"Nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy. Nhà đầu tư rót vốn vào bạn thì giấc mơ trở thành chung giữa hai người. Công ty là công ty chung. Tiền là tiền chung. Bạn không thể xài tiền theo ý mình được. Tương tự, trước hôn nhân bạn có thể xài tiền theo ý bạn, nhưng lấy nhau về một nhà thì xài tiền là chuyện chung", chị ví von.
Lý giải cụ thể hơn câu chuyện của mình, CEO TVHub cho biết sau khi nhận được đầu tư, chị nghĩ đơn giản rằng đã có vài triệu USD để thực hiện giấc mơ, để đi được chặng đường dài. Trong khi đó nhà đầu tư lại đề ra những tiêu chuẩn riêng, KPI cần hoàn thành trong ngắn hạn để rồi từng bước mới đi đến dài hạn.
"Lúc đó mình còn quá trẻ, mình không muốn những cái short-term (ngắn hạn, PV) như vậy phải long-term (dài hạn, PV) cơ. Sau khoảng 2 năm, cả hai bên đều cảm thấy không thể nào chung đường được nữa".
Còn nhớ gian đoạn 2015, 2016, The Kafe là cái tên khá nổi trên thị trường kinh doanh F&B khi huy động thành công 5,5 triệu USD trong vòng đầu tiên của quá trình gọi vốn từ các quỹ đầu tư tại London và Hồng Kông. Liên tiếp sau đó là sự mở rộng không ngừng phạm vi kinh doanh với 26 chi nhánh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên kết thúc của startup này không hề viên mãn khi CEO phải rời đi, cả hệ thống đồng loạt đóng cửa.
Dẫn câu chuyện the Kafe, CEO Lê Hạnh chia sẻ đây cũng là trường hợp người sáng lập phải chia tay startup sau khi có nhà đầu tư cùng tham gia vào dự án.
"Tìm nhà đầu tư đã khó, phải học cách sống chung với nhà đầu tư để làm sao cả hai bên thực hiện được giấc mơ chung, đấy mới là điều cần", chị khẳng định.
Chúng tôi không làm việc với người khác quan điểm
Đồng quan điểm với CEO Lê Hạnh, Shark Dzung Nguyễn, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan cũng cho rằng, khi đã kết hợp với nhau, cả nhà đầu tư và doanh nghiệp đều phải nhìn một hướng, cả hai cùng chung một ước mơ, "chứ không phải startup đi xây dựng ước mơ cho nhà đầu tư hay nhà đầu tư xây dựng ước mơ cho startup".
Shark Dzung Nguyễn
Tuy nhiên con đường đến thành công chắn sẽ có xung đột, vì suy nghĩ của nhà đầu tư và của founder không giống nhau, đòi hỏi cả hai bên có sự điều chỉnh để cùng đi tiếp.
"Ví dụ như bản thân tôi, tôi sẽ dựa trên kinh nghiệm, thông tin của thị trường Nhật, Mỹ, Thái Lan,…để đưa ra nhận định trên cơ sở phù hợp với thị trường Việt Nam, nhưng nhận định ấy đấy dẫu sao chỉ là lời khuyên, tư vấn".
Theo Shark Dzung Nguyễn, về cơ bản CyberAgent sẽ không can thiệp vào quá trình vận hành bởi công ty là của founder. "Founder là những ngôi sao còn quỹ đầu tư chỉ là hỗ trợ". Nếu quan điểm của hai bên quá khác nhau, không tìm được tiếng nói chung thì Cyber sẽ rút lui, để founder tự đi theo hướng của mình.
"Chúng tôi không làm việc với những người khác quan điểm. Những người xác định mục tiêu cuối cùng là tạo ra giá trị cho công đồng, đưa doanh nghiệp thành công mới là người cùng quan điểm với chúng tôi".
"Cốt lõi là doanh nghiệp thành công chứ không phải đầu tư. Việc đầu tư giống như hôn nhân, hôn nhân không phải là mục đích, mà là điểm đầu hành trình đi tìm hạnh phúc. Sau khi startup nhận đầu tư, cả hai bên phải cùng thành công thì mới là điểm đích", Shark Dzung Nguyễn cho biết.
Quỹ đầu tư không phải quỹ từ thiện.
Xuất hiện trong chương trình, Shark, Phạm Thanh Hưng tịch HĐQT CEN Group cũng bổ sung thêm một điều các startup cần lưu ý, đó là quỹ đầu tư khác với quỹ từ thiện, rất rõ ràng, rành mạch.
Shark Phạm Thanh Hưng.
"Các bạn nghĩ tiếp cận chúng tôi mong sự giúp đỡ. Cách tiếp cận đó, hiểu theo cách nói của người Việt Nam, là rất khiêm tốn, nhún nhường. Các bạn phải định vị rằng các bạn đang mời các nhà đầu tư tham gia vào, chứ không phải xin xỏ. Đây là quỹ đầu tư, không phải quỹ từ thiện".
Cũng theo Shark Hưng, nếu nói về ước mơ thì đúng là ước mơ của quỹ đầu tư mang tính vật chất, lượng hóa về con số tài chính; còn ước mơ của startup là làm được điều gì đó cho xã hội. Tuy nhiên hai điều này không hề mâu thuẫn mà luôn tồn tại song song với nhau.
"Nếu chỉ quan tâm đến tài chính bất chấp lợi ích mang lại cho xã hội thì kinh doanh sẽ không bền vững. Còn nếu tốt cho xã hội thì cơ hội thành công cao hơn. Đó là lý do nhà đầu tư và startup kết hợp với nhau".
Từ kinh nghiệm bản thân, Phó chủ tịch CEN Group cho biết bản thân nhà đầu tư khi rót tiền vào startup, họ cũng có những ước mơ của riêng mình.
"Ước mơ làm cái gì đó made in Việt Nam. Ước mơ đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thế giới, giải quyết nhu cầu về khám chữa bệnh, nhu cầu thực phẩm sạch,…muôn vàn nhu cầu người dân Việt Nam đáng được hưởng. Nếu làm được gì đó phục vụ người Việt Nam và đưa ra toàn cầu thì đó cũng là ước mơ của nhiều người Việt Nam, chứ không riêng cá nhân tôi, của các quỹ đầu tư hay các Shark".