Đó là ý kiến của Lê Đăng Khoa, CEO Công ty TNHH Phân bón Ba Lá Xanh, tại sự kiện do BSSC, tổ chức tại TP HCM.
"Đu leo" được với người giàu, người thành công là quá giỏi
Trong phần tọa đàm với chủ đề Change the game (Thay đổi cuộc chơi), một bạn trẻ đã hỏi về câu chuyện đọc sách của Lê Đăng Khoa, người đang tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam.
Theo anh Đăng Khoa, con đường ngắn nhất để đi tới thành công là đọc sách. “Người ta trải qua đời người để viết ra một quyển sách. Trong khi bạn chỉ cần đọc trong 1 tuần”, doanh nhân Đăng Khoa nói.
Anh cũng tiết lộ một vài cuốn sách mà anh thích như Đừng đi ăn một mình, Nghệ thuật hấp dẫn, Từ tốt đến vĩ đại…
Đăng Khoa chia sẻ thêm, anh tiếp xúc với nhiều bạn trẻ thì thấy rằng nhiều người rất tự ti theo kiểu: Em ngại tiếp xúc với người giàu, người thành công. Mất công người ta nói em đu leo.
“Sai lầm. Em phải tự tin qua chuyện đó. Mình gần những người thành công để học công thức thành công của họ. Nhiều người điều hành hàng chục công ty nhưng họ vẫn có thời gian đi du lịch, đi chơi. Người ta làm được thì mình phải làm được. Họ đã viết cả trong sách”, Đăng Khoa nhận định.
Tuổi trẻ có lợi thế là dấn thân
Theo Đăng Khoa, tuổi trẻ có lợi thế là có điều kiện để dấn thân để thử thách và trải nghiệm. Nếu thấy vấn đề mà chỉ đứng từ xa quan sát thì mãi mãi không thuộc kiến thức, bản lĩnh của người đã quan sát.
Đăng Khoa đưa ra ví dụ, thấy nông dân bón phân 3-4 lần một vụ và rất phí. Đây vừa là thách thức trong nông nghiệp nhưng cũng là cơ hội cho những ai nhìn ra vấn đề. Nếu thấy vậy và bước qua chỗ khác, nghĩa là đóng sập cửa lại với các cơ hội. Còn nếu dấn thân thì phải tìm ra cách giải quyết bài toán tốt hơn, tạo ra giải pháp.
Đăng Khoa đang tham gia trong thị trường hoa và đang đầu tư vào mảng này. Anh thấy, Việt Nam có hàng ngàn người trồng hoa. Điều đó chứng tỏ, Việt Nam có thổ nhưỡng rất tốt nhưng người trồng hoa xuất khẩu lại rất hiếm. Thị trường hoa tươi thế giới là 92 tỷ USD, trong đó Hà Lan chiếm 50%, Equador chiếm 15%. Việt Nam dư thừa bản lĩnh, điều kiện nhưng chưa làm được. Câu hỏi đặt ra là làm sao để Việt Nam có cẩm tú cầu để xuất khẩu… Hay về trái cây, làm sao trái xoài Hòa Lộc được xuất khẩu vì nó mang hương vị đặc trưng. Theo Đăng Khoa, vấn đề là có xây dựng được thương hiệu Việt hay không.
Về khởi nghiệp trong nông nghiệp, Khoa cho biết đã làm ngành này từ năm 22 tuổi. Và anh thấy các vấn đề trong nông nghiệp chính là cơ hội. “Bao nhiêu năm, tôi chỉ cố gắng đi giải quyết các vấn đề thôi, chứ cũng nghĩ là làm thay đổi cuộc chơi”, Khoa nói.
Doanh nhân 8X cho rằng thay đổi cuộc chơi có ý nghĩa rất chung chung. Trong chuỗi giá trị có hàng ngàn vấn đề cần giải quyết và đó là điều cần làm trước khi nông nghiệp Việt Nam ra thế giới.
Anh cho rằng nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội, hơn hẳn trong ngành công nghệ. Và đó là 2 mảng tiềm năng nhất để khởi nghiệp.