Là tân "cá mập" tham gia vào vào Shark Tank Việt Nam mùa 7, bà có thể chia sẻ lý do bà dành sự quan tâm đặc biệt cho các startup Việt?
- Cơ duyên đưa tôi đến với điều này bắt nguồn từ trăn trở và quan tâm sâu sắc đến thế hệ trẻ, doanh nhân trẻ, đến công nghệ và sự đổi mới sáng tạo đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên toàn cầu.
Suốt nhiều năm làm việc trong ngành dầu khí, một ngành yêu cầu công nghệ cao và ứng dụng tiêu chuẩn quốc tế cao cấp và cực kỳ khắt khe, tôi nhận ra tầm quan trọng và tiềm năng to lớn của các giải pháp công nghệ trong việc thay đổi và cải thiện cuộc sống con người và xã hội.
Trong tôi luôn tin rằng các startup trẻ Việt nam đủ khả năng tiếp cận công nghệ mới, đủ năng lực sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D), để thiết kế giải pháp đột phá, tạo ra những giá trị mới cho xã hội như các quốc gia phát triển khác .
Theo bà, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nói riêng có gì khác biệt?
- Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ có một số điểm khác biệt đáng kể so với dự án không ứng dụng khoa học công nghệ.
Trước hết, công nghệ thay đổi rất nhanh chóng, từng ngày từng giờ, điều này đòi hỏi các startup phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng học hỏi và thay đổi, thích nghi với những xu hướng công nghệ mới nhất.
Thứ hai, khởi nghiệp công nghệ thường yêu cầu một sự đầu tư lớn về thời gian và nguồn lực để nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Quy trình này đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng và đội ngũ nhân lực có kỹ năng cao, cũng như khả năng triển khai và thương mại hóa các giải pháp công nghệ một cách hiệu quả.
Một yếu tố quan trọng khác là khả năng mở rộng quy mô. Các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là phần mềm và các giải pháp trực tuyến, có khả năng mở rộng nhanh chóng ra thị trường toàn cầu mà không bị giới hạn bởi rào cản địa lý.
Cuối cùng, việc bảo mật và bảo vệ dữ liệu cũng là một thách thức lớn đối với các startup công nghệ. Với sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng và những mối đe dọa về an ninh thông tin, việc đảm bảo an toàn cho dữ liệu người dùng và hệ thống của mình là điều cần lưu ý.
Theo dự báo đến năm 2025 Việt Nam có khả năng thiếu 150.000 đến 200.000 nhân sự công nghệ thông tin mỗi năm. Vấn đề ở đây là gì thưa bà?
- Mặc dù mỗi năm số lượng sinh viên công nghệ thông tin Việt Nam tốt nghiệp rất lớn, nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này có thể là do nhu cầu nguồn nhân lực này không chỉ đến từ các công ty công nghệ trong nước mà còn đến từ các quốc gia khác, các đơn đặt hàng gia công các giải pháp công nghệ.
Bên cạnh đó có thể là tỉ lệ nguồn nhân lực chất lượng mới ra trường bao gồm cả năng lực về công nghệ và ngoại ngữ (như tiếng Anh, Nhật Bản, ...) còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu cao từ các dự án trong nước và quốc tế.
Đã có rất nhiều startup công nghệ Việt ra đời nhưng không phải ai cũng thành công. Theo bà, đâu là hạn chế, khó khăn của các startup trẻ công nghệ? Và họ cần phải làm gì?
- Đầu tiên là thị trường luôn cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và tiêu chuẩn cao cấp, nơi yêu cầu sáng tạo liên tục và khả năng thiết kế giải pháp đáp ứng thị trường nhanh chóng. Thậm chí sản phẩm vừa hoàn thiện đã có thể trở nên lỗi thời.
Thứ hai là sự thiếu vốn đầu tư và nguồn lực để phát triển. Nhiều startup không thể tiếp cận được vốn đầu tư giai đoạn sớm cần thiết kể cả giai đoạn hoàn thiện sản phẩm mẫu, từ đó mở rộng hoạt động và phát triển sản phẩm trong tương lai.
Thứ ba, startup cũng cần tìm kiếm và hợp tác chặt chẽ với các cố vấn đúng nghĩa, các nhà đầu tư thiên thần có kinh nghiệm để có được nguồn vốn, sự định hướng chiến lược và các mối quan hệ quan trọng của họ trong ngành.
Cuối cùng, việc xây dựng mạng lưới liên kết và hợp tác với các đối tác chiến lược cũng là yếu tố quan trọng giúp các startup mở rộng thị trường và tối ưu hóa tài nguyên.
Hiện nay mới chỉ có số ít các doanh nghiệp công nghệ lớn phát triển mang tính chiến lược, vươn ra quốc tế. Tầm nhìn của bà về điều này ra sao, thưa bà?
- Cá nhân tôi cho rằng startup công nghệ không dành cho số đông, đó là lý do vì sao hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu dành từ "Talent" (người tài - PV ) tặng cho các nhà sáng lập.
Để thành công, các startup cần có không chỉ là năng lực hiểu biết sâu sắc về thị trường, khả năng thiết kế sản phẩm sáng tạo mà còn cần trang bị những năng lực cá nhân khác như tầm nhìn chiến lược rõ ràng, khả năng thích nghi nhanh và sự kiên cường, kiên định.
Việc thiết kế và phát triển một giải pháp công nghệ đòi hỏi sự cống hiến và tinh thần tự thách thức. Không chỉ là về việc tạo ra sản phẩm mới, luôn cải tiến mà còn là việc xây dựng một mô hình kinh doanh sáng tạo, phát triển bền vững theo đà phát triển của công nghệ, thích ứng linh hoạt và có khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế.
Do đó, dù là lĩnh vực hứa hẹn những cơ hội lớn, nhưng startup công nghệ không dành cho số đông.
Lời khuyên của bà cho các startup Việt là gì, thưa bà?
- Đầu tiên và quan trọng nhất, các startup cần hiểu rõ mình, hiểu năng lực của mình, liệu sứ mệnh cá nhân và năng lực hiện tại có "khớp" với nhau không, có đúng thời điểm để khởi nghiệp không?
Thứ hai, tập trung vào giải quyết 1 "nỗi đau" cụ thể nhất, "nỗi đau" đó thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, giải pháp để có thể tăng quy mô nhanh.
Thứ ba, xây dựng một đội ngũ đồng đội tài năng và đam mê. Một startup chỉ mạnh khi có được một đội ngũ vững vàng, có kỹ năng chuyên môn, tâm huyết và khả năng làm việc hiệu quả cùng nhau.
Cuối cùng, đừng ngại thử nghiệm và học hỏi từ những thất bại. Thử thách là một phần không thể thiếu của con đường khởi nghiệp. Từ những sai lầm và thất bại, các startup có thể học hỏi và phát triển mạnh mẽ hơn.
Xin cảm ơn bà!