Tại Hội thảo Future Banking & Fianncial Services Forum do IDG Việt Nam tổ chức hôm nay (7/10), nhiều chuyên gia nhận định lĩnh vực thanh toán điện tử sôi động không chỉ có sự tham gia của ngân hàng mà còn có fintech, và sắp tới là các nhà mạng viễn thông.
Đối với Fintech, từng có nhiều lo ngại đây là "thế lực" đối đầu với các ngân hàng trong hoạt động thanh toán điện tử. Thế nhưng trên thực tế, hợp tác cùng phát triển mới là xu hướng chính giữa fintech và các nhà băng trong những năm qua.
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Hòa Bình (Chủ tịch tập đoàn NextTech), ở vị trí là đơn vị tham gia vào lĩnh vực Fintech từ rất sớm đã có những chia sẻ trong việc hợp tác với ngân hàng để đem lại hiệu quả.
Shark Bình cho biết, NextTech "nhảy" vào lĩnh vực Fintech bắt đầu từ 2009 với sản phẩm đầu tay là cổng thanh toán điện tử ngân lượng. Từ đó đến nay, NextTech vẫn luôn tiên phong đi đầu trong các lĩnh vực mới nhất của Fintech, đem những công nghệ mới nhất trên thế giới về Việt Nam.
"Chúng tôi đi từ cổng thanh toán trực tuyến, đến ví điện tử, Mpos, phát triển mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán, cũng từng nhảy vào P2P Lending, Crypto, Blockchain,…Trong quá trình đó, có cái thành công, có cái thất bại. NextTech cũng đã hợp tác với hầu hết các ngân hàng Việt Nam từ khi còn rất sớm và học được một vài kinh nghiệm khi fintech hợp tác với ngân hàng", ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.
Theo Chủ tịch NextTech, những năm đầu, giai đoạn 2009, việc hợp tác với ngân hàng rất khó khăn. Thời điểm đó, Fintech đa phần là Start Up và phải rất nỗ lực để thuyết phục ngân hàng nhưng thường nhận lại cái lắc đầu hoặc im lặng hoặc có hợp tác thì cũng kéo dài rất lâu.Tuy nhiên, nếu ngân hàng đi đầu, cởi mở trong việc hợp tác với fintech thì sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Năm 2009, chúng tôi hợp tác với Vietcombank để làm tài khoản Internet banking, về sau chính vì Vietcombank đi đầu tiên trong việc này mà 60% giao dịch thanh toán trực tuyến là qua ngân hàng này. "Điều này chứng tỏ sự cởi mở của ngân hàng, nếu chúng ta biết tiên phong dẫn đầu thì được hưởng lợi sớm nhất", Shark Bình nhận định.
Ông cho rằng, các fintech thúc đẩy doanh số ngân hàng, đặc biệt là mảng bán lẻ rất nhanh. Do đó ngân hàng cần cởi mở, tiên phong đưa ra sản phẩm mới, phối hợp với fintech để biến fintech thành cánh tay nối dài cho mình. "Ai cũng biết, ngân hàng có rất nhiều chỉ tiêu, còn fintech thì chỉ tập trung phát triển giao dịch nên họ làm tập trung và đem lại chất lượng tốt hơn".
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thường cậy thế "ông lớn", có tiềm lực nên đưa ra các deal sát ván khiến cho nhiều fintech bị lép vế. Shark Bình cho rằng hiện tại nên thay đổi tư duy đó, và thực tế cũng có nhiều ngân hàng đã cởi mở hơn. Thay vì có tư tưởng ông lớn thì cần có tư tưởng fair play, win - win để tận dụng thế mạnh của cả 2 bên. Fintech cũng nên xác định vai trò của mình như là hệ sinh thái vệ tinh với các ngân hàng. Đặc biệt ở Việt Nam, hành lang pháp lý không cho phép fintech lấn sâu vào lĩnh vực cốt lõi của ngân hàng.
"Fintech cần sáng tạo ra dịch vụ, sản phẩm tốt để chào mời các ngân hàng. Chúng ta cũng phải xác định Bargaining Power, thế mạnh của mình là gì khi hợp tác với ngân hàng. Bản chất Fintech hợp tác với ngân hàng là đứng trên vai người khổng lồ không dễ nhưng đứng trên vài người khổng lồ không dễ, vì họ to và "khôn", nếu không cẩn thận, không có thế mạnh thì bị người khổng lồ "ăn thịt"", Shark Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.