Gần đây, Shark Nguyễn Xuân Phú cùng với 4 Shark khác trong chương trình Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ, đã có buổi giao lưu với hơn 4.000 sinh viên Hà Nội. Vẫn những chia sẻ bổ ích, thực tế đi kèm phong cách vui vẻ, hóm hỉnh, các Shark đã thật sự làm nóng không khí hội trường Đại học Kinh tế quốc dân thông qua 2 phần giao lưu trực tiếp và hỏi đáp.
Sinh viên Hà Nội hào hứng chụp ảnh chung với các Shark.
Khi một sinh viên đặt câu hỏi về vai trò của các ý tưởng sáng tạo trong cuộc sống, cũng như làm thế nào để những ý tưởng này được chấp nhận, Shark Trần Anh Vương và Shark Nguyễn Xuân Phú đã có những phần trả lời nhận được tràng pháo tay giòn giã từ phía sinh viên.
Câu hỏi như sau:“Em là sinh viên năm nhất Đại học Kinh tế quốc dân và đang đi làm thêm. Ở chỗ làm, em có đưa ra ra nhiều ý tưởng em thấy thú vị và khả quan nhưng hay bị gạt đi. Ở trường cũng thế, khi em đưa ý kiến không giống phần đông các bạn khác, rất ít người ủng hộ và thường bị xua đi. Em muốn hỏi trong cuộc sống, chúng ta có cần ý tưởng mới mẻ, sáng tạo nữa không, hay cứ đi theo lối cũ, lối an toàn?”
Trước hết Shark Vương khẳng định trong cuộc sống, đặc biệt là công việc hay kinh doanh, luôn cần những ý tưởng mới mẻ để tạo ra đột phá, và những ý tưởng này thường đến từ các cá nhân được gọi là “lập dị”.
“Nhưng bản thân tôi cho rằng những cá nhân gắn mác “lập dị” mới là những người có khả năng mang lại giá trị to lớn cho doanh nghiệp”.
Cũng theo Shark Vương, trong xã hội, đặc biệt xã hội hiện đại như ngày nay, khi một doanh nghiệp thay đổi cách suy nghĩ, phương thức hành động thì doanh nghiệp ấy mới đi nhanh được. Dẫn chứng tiêu biểu nhất là cách Apple đã “vượt mặt” Nokia, biến một chiếc điện thoại thông thường thành smartphone mọi người đều ao ước.
“Tính đối lập trái chiều cần luôn được đề cao ở mọi nơi, không chỉ trong doanh nghiệp mà cả ngoài xã hội”, Shark Vương nhấn mạnh.
Tuy nhiên có phải lúc nào ý kiến trái chiều cũng được số đông nghe theo?
Tiếp nối câu trả lời của Shark Vương, Shark Phú cho biết trong cuộc sống, luôn tồn tại hai quy luật: Đồng hóa và dị hóa. Ví dụ một người da trắng sang Việt Nam học tập làm việc, sinh con đẻ cái; sau 3-4 đời thì thế hệ con cháu cũng chuyển sang da vàng, đấy là đồng hóa. Nhưng hiện tượng một người bình thường mặc mẫu quần áo không giống ai hay con chim cuối đàn tự nhiên tách ra bay theo hướng khác thì sẽ gọi là dị hóa.
“Vậy làm thế nào để tư tưởng khác biệt hóa của mình được mọi người theo?”, Shark Phú đặt câu hỏi. “Nếu nghệ sĩ tên tuổi mặc cùng bộ quần áo ấy thì sẽ được cho là đẹp, được nhiều người ủng hộ. Đàn chim cũng thế, con chim đầu đàn rẽ hướng nào thì những con còn lại sẽ đi theo hướng ấy. Khi đưa ra ý kiến, nếu là người bình thường sẽ bị chê, nhưng là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng thì lại được tung hô”.
Từ quan điểm này, Shark Phú khuyên bạn sinh viên đặt câu hỏi ở trên, nếu muốn mọi ý kiến của mình trở thành hiện thực, hãy sẵn sàng chịu đau khổ, chỉ trích và sau đó lao vào làm việc để chứng minh. Dần dần, khi đã có kết quả rõ ràng và bản thân có được chỗ đứng, mọi ý kiến bị nói là “hâm”, là “lập dị” cũng sẽ thành đúng.
“Quan trọng là bạn phải hiểu sâu sắc quy luật đồng hóa và dị hóa, từ đó biết được khi nào nên thuận chiều và khi nào nên trái chiều”, Shark Phú kết luận.