Startup thứ hai đến Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 5 gọi vốn là Velasboost với đại diện là nhà sáng lập Lê Hải Vũ.
Velasboost là một thương hiệu phụ kiện công nghệ đến từ Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ cho hệ sinh thái của smartphone (điện thoại thông minh) và máy tính. Startup này đã đạt được một số thành tựu như nhận được 5 chứng chỉ MFi (Made For iPhone/iPad/iPod) - một chứng chỉ chất lượng được cấp bởi Apple, có tai nghe true wireless – tai nghe không dây đầu tiên đạt chuẩn APTX của Qualcom và được xuất hiện trên website của hãng.
Startup này đã phát triển 29 loại sản phẩm khác nhau, bán ra thị trường khoảng 24.500 sản phẩm, đạt doanh thu 6 tỷ, lợi nhuận gộp hơn 2 tỷ. Đến Shark Tank Việt Nam, Hải Vũ kêu gọi đầu tư 4,5 tỷ cho 15% cổ phần của công ty.
Hải Vũ cũng đưa ra con số thống kê để thuyết phục các Shark về tiềm năng thị trường phụ kiện rộng lớn. Theo trang Research & Market, tổng dung lượng thị trường năm 2020 đang là khoảng 250 tỷ USD. Trong 2 năm gần đây, khoảng 17 – 18 triệu smartphone được bán ra tại Việt Nam trong đó Apple chiếm thị phần khoảng 10%. Việt Nam đang là 1 trong 10 thị trường smartphone có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới. Các hãng đang dần cắt bỏ sản xuất tai nghe và sạc. "Bây giờ nhu cầu không phải là muốn hay không muốn mua mà bắt buộc phải mua. Vì không mua thì không có gì để sạc máy và không có tai nghe sử dụng", Hải Vũ nhận định.
Hải Vũ cho biết cách đây 8 năm khi còn là sinh viên, anh đã mở cửa hàng kinh doanh dòng điện thoại BlackBerry. Tuy nhiên thương hiệu này không chống lại được Apple, Samsung và các dòng điện thoại tới từ Trung Quốc nên anh quyết định chuyển sang làm phụ kiện công nghệ. Anh lựa chọn trở thành nhà phát triển nghiên cứu sản phẩm theo tiêu chuẩn Apple với chương trình MFi. Sau đó thuê nhà máy trong danh sách Apple cung cấp để gia công sản phẩm.
Cuối năm 2020, đầu năm 2021 Velasboost cho ra đời sản phẩm đầu tiên là bộ sạc nhanh 18W đạt chuẩn MFi của Apple. Sau 5 ngày mở bán đã bán được 2.000 sản phẩm sạc và cáp.
Sản phẩm của Velasboost hiện nay đang được gia công tại Trung Quốc và được anh nhập về chính ngạch. Các sản phẩm nhỏ như cáp thì Velasboost làm từ A đến Z, chấp nhận mở khuôn sản xuất với giá từ 50 – 100 triệu. Với những mẫu sản phẩm được bán ở các nước khác trên thế giới mà cần đầu tư nhiều chi phí cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm và mở khuôn sản xuất thì anh mua lại độc quyền ở Việt Nam. Lợi nhuận bán lẻ đạt 50 – 70% tùy loại sản phẩm.
Hải Vũ nhận định hiện có hai phân khúc sản phẩm sạc, cáp trên thị trường. Phân khúc đến từ các hãng lớn như Anker, Belkin, Morphie có giá thành rất cao. Phân khúc còn lại là các hãng giá rẻ đến từ Trung Quốc, sản phẩm rất đa dạng nhưng không có chứng chỉ chất lượng đảm bảo. Velasboost đang cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý vì tất cả chứng chỉ hãng lớn có thì Velaboost cũng có.
Hiện nay, Velasboost bán hàng chủ yếu là B2C (Business to Customer – bán lẻ trực tiếp) và có bán B2B (Business to Business – bán hàng từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp) cho một số đơn vị nhỏ.
Khi Shark Bình nhận định, mô hình kinh doanh của Startup theo kiểu "ráo mồ hôi hết tiền", tức là lúc nào cũng phải sáng tạo, design mẫu mới, Hải Vũ cho rằng những sản phẩm như miếng dán hay cường lực thì khách hàng tiêu thụ nhiều và hay tái mua hàng. Còn các sản phẩm liên quan đến sạc và cáp thì khách hàng chú trọng về độ nhanh và bền, tốc độ truyền data nên không cần design về mẫu mã.
Hải Vũ tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, trong 8 năm kinh doanh, anh có tích lũy lớn nhất là về khách hàng với khoảng 45.000 người yêu công nghệ, nên tự tin mình hiểu khách hàng Việt Nam cần những sản phẩm như thế nào. Anh cũng cho biết kỹ năng tốt nhất của mình là marketing (tiếp thị) và hiểu sản phẩm.
Chia sẻ thêm về tình hình tài chính của công ty, Hải Vũ cho biết mình đã đầu tư vào Velasboost 5 tỷ. Doanh thu tính từ tháng 4/2021 - tháng 4/2022 đạt 6 tỷ, lợi nhuận gộp khoảng 2 tỷ, lợi nhuận ròng khoảng 15% (khoảng 900 triệu đồng).
Shark Phú chia sẻ ông đang có nhà máy SMT (Surface Mount Technology – công nghệ dán bề mặt) để sản xuất mạch và đang nghiên cứu làm sạc nhưng đang vấp phải vấn đề là giá thành đang cao chưa cạnh tranh được với Trung Quốc. Ông nhận định để bán được vào các siêu thị điện máy lớn của Việt Nam thì phải bán từ 4 - 5 triệu cái.
"Anh đã từng gia công cho Anker rồi anh biết, anh đang cần một người phát triển sản phẩm, anh sẽ chịu trách nhiệm chế tạo sản phẩm", Shark Phú đề nghị.
Shark Phú: "Em bỏ công, anh bỏ vốn, tiền không quan trọng, còn thiếu đâu anh lo"
Với lợi thế có đầy đủ hệ sinh thái sản xuất, hệ sinh thái kho bãi, Shark Phú đề nghị đầu tư 6 tỷ đổi lấy 50% cổ phần của Velasboost. Ông đưa ra các lý lẽ để thuyết phục Startup: "Chỉ cần bọn em tập trung vào phát triển sản phẩm, tiền không quan trọng… Còn thiếu đâu anh lo", "Em sẽ có hệ sinh thái của bọn anh đằng sau để có thể đáp ứng thị trường rất lớn, em phải bán vài triệu cái mới ra tiền được, 900 triệu đồng thì gọi gì là kinh doanh. Vài tỷ không đủ để kinh doanh ngành này đâu, ít nhất phải 60 tỷ. Anh em mình đầu tư chung với nhau, em bỏ công, anh bỏ vốn, chia 50:50".
Shark Hưng đánh giá sản phẩm của Startup "sống" được nhưng Startup có thể phát triển lớn đến cỡ nào thì tùy thuộc vào khả năng chiếm lĩnh thị trường mà điều đó phụ thuộc vào việc có nguồn vốn dài. Ông cho rằng deal Shark Phú đưa ra là hợp lý và nhận thấy bản thân không hỗ trợ được nhiều cho Startup trong lĩnh vực này nên từ chối đầu tư.
Shark Bình phân tích Startup chỉ có hai con đường. Thứ nhất là tiếp tục làm nhỏ thì có thể làm được 20 tỷ, thậm chí 30 tỷ và một năm có thể kiếm được 2-3 tỷ, nhưng đến tầm quy mô đó là bắt đầu chững. Còn Startup muốn đi một con đường khác làm to hơn hẳn thì phải nghĩ đến việc nội địa hóa, rồi rất nhiều khâu khác. Ông cho rằng Startup nên đi cùng với ai có sẵn hệ sinh thái và nếu Shark Phú cam kết bao nhiêu tiền cũng "chơi" mà chỉ lấy 50% thì Hải Vũ nên đi cùng Shark Phú. Vì vậy ông cũng rút khỏi thương vụ này.
Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 8 tỷ cho 47%. Ông sẽ để Startup quyết hết và cấp vốn để Startup quảng cáo bán hàng.
Shark Liên cho biết bà có lợi thế là cộng đồng đông, do đó bà đề nghị đầu tư 4,5 tỷ cho 49% cổ phần.
Tuy nhiên, Hải Vũ lựa chọn đàm phán với Shark Phú. Anh đề xuất Shark Phú đầu tư 6 tỷ cho 35% cổ phần.
Shark Phú phân tích, ông đang có một nhà máy SMT, đầu tư khoảng 150 tỷ với toàn bộ hệ sinh thái ép nhựa, có khoảng 100 máy ép nhựa. Cái ông đang muốn là một đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển) tìm kiếm các nguồn linh kiện và bán được vào các chuỗi điện máy. Và Hải Vũ vẫn có thể tìm kiếm nguồn hàng mới lạ như anh đang triển khai.
Hải Vũ chia sẻ, anh không chỉ muốn gắn kèm với điện thoại hay máy tính mà muốn sau này làm nhiều sản phẩm khác liên quan đến thông minh, công nghệ.
Shark Phú cho biết để có một hệ sinh thái như của ông thì cần khoản tiền rất lớn. Nhưng nếu Hải Vũ tạo mẫu thành công, bán được tất cả các kênh thì doanh số rất lớn. Shark Phú cũng ngỏ ý bên cạnh số tiền đầu tư ban đầu theo tỷ lệ đã cam kết, nếu Startup cần thêm tiền thì ông sẽ cho vay mà không thay đổi tỷ lệ. Chủ tịch Sunhouse khẳng định không can thiệp vào việc của Startup mà chỉ tham gia sản xuất những sản phẩm bán lớn. Còn những mẫu mã mới thì đội ngũ của Hải Vũ cứ triển khai.
Hải Vũ chia sẻ Startup của mình rất cần nhà máy vì có nhiều cái muốn tự chủ. Do đó anh chấp nhận đề nghị đầu tư 6 tỷ cho 50% cổ phần của Shark Phú.