Ngày 18-8, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động chương trình "ATM F0 chống dịch" nhằm gây quỹ hỗ trợ kinh phí cho các F0 đã khỏi bệnh có việc làm, có thu nhập trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh và trên hết là tạo cơ hội để các F0 tri ân đội ngũ y, bác sĩ đã giúp họ vượt qua "lưỡi hái tử thần" mang tên Covid-19.
Theo đó, các F0 đã khỏi bệnh khi tham gia chương trình "ATM F0 chống dịch" sẽ được tổ chức thành lực lượng tuyến đầu đặc biệt khi họ trở lại các cơ sở y tế, bệnh viện, các khu cách ly để chia sẻ công tác hậu cần, chăm sóc bệnh nhân Covid -19. Chương trình hỗ trợ thu nhập 2 triệu đồng/tuần hoặc 6-8 triệu đồng/tháng cho các tình nguyện viên F0 đã khỏi bệnh khi tham gia chương trình.
Shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Sunhouse vừa thông báo tiên phong đóng góp 800 triệu đồng, tương đương lương tháng cho 100 tình nguyện viên tham gia chương trình "ATM F0" do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức.
Theo Shark Phú, những "bệnh nhân F0" hoàn toàn có thể quay trở lại bệnh viện để hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ chống dịch. Bởi hơn ai hết, họ là người đã trải qua, đã thấu hiểu và cảm nhận "cuộc chiến" đó khốc liệt thế nào.
Hiện nay, chương trình đang thí điểm tại TP. HCM với hơn 500 F0 đăng ký sau 5 ngày phát động.
Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể góp sức để ATM có thêm ngân sách hỗ trợ thu nhập cho các F0. Như thế, nhiều F0 sẽ có việc làm và có thu nhập trang trải trong mùa dịch.
Shark Phú là một trong các doanh nhân rất tâm huyết hỗ trợ các startup. Shark Phú tỏ ra khá kỹ tính trong việc rót vốn đầu tư và luôn yêu cầu startup phải trình bày phương án kinh doanh khả thi, bao gồm số liệu doanh thu, chi phí, lợi nhuận rõ ràng.
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, Shark Phú đã đưa ra lời khuyên cho các startup, các doanh nghiệp nhỏ & siêu nhỏ, việc tiếp cận hỗ trợ từ chính sách nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Để có phương án chủ động vượt khó, theo Shark Phú nên chia rõ những loại hình doanh nghiệp:
Với DN nhỏ và không còn đủ nguồn lực kinh doanh trong mùa dịch cần tính toán lại khả năng "cầm cự" để co cụm lại, thậm chí phải rút bớt người và rơi vào trạng thái "ngủ đông". Nếu cần thiết, hãy mạnh dạn đóng cửa. Chúng ta có thể làm lại từ đầu sau khi hết dịch, chứ không nên nợ nần để rồi hoạt động lay lắt, ngày nào cũng có nợ tìm đến. Shark Phú cũng bật mí, chỉ đi vay số tiền bằng số tiền mà người khác đang nợ mình, đó là giữ cho mình một cửa thoát.
Với DN nhỏ nhưng đâu đó vẫn còn nguồn lực để vượt qua đại dịch: Đại dịch đi qua sẽ mở ra cơ hội rất lớn khi các nhu cầu của người dân ồ ạt quay trở lại. Vì thế, hoạt động trong dịch có thể cầm chừng nhưng nên chuẩn bị sẵn hàng hóa, dịch vụ, phương án để đón sóng cơ hội, chớp thời cơ đi thật nhanh.
Với DN gặp thuận lợi trong mùa dịch: Tận dụng thời cơ để xây dựng thương hiệu, sự uy tín và gắn bó của khách hàng, bởi các bạn là số ít những DN vẫn phát triển ổn định. Không nên chỉ vì "thu hoạch" lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm xã hội và hình ảnh trong tương lai.
Trước đó, ngày 22/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kêu gọi các bệnh nhân F0 đã được điều trị khỏi bệnh, nếu đủ điều kiện sức khỏe, hãy tình nguyện đăng ký hỗ trợ TP.HCM chống dịch. "Thành phố kêu gọi tất cả F0 đã được chăm sóc khỏi bệnh, có đủ điều kiện sức khỏe, hãy tự nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ, phục vụ người đang điều trị hiện nay", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ với báo giới.
Tính đến sáng 22/8, TP.HCM đang điều trị cho 34.605 bệnh nhân. Trong đó có 2.131 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.442 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO. Thành phố luôn trong tình trạng thiếu nhân lực y tế. Trong khi đó, số liệu cho thấy, từ 1/1/2021 đến nay, TP.HCM đã cho 87.805 bệnh nhân Covid-19 xuất viện. Đây là nguồn nhân lực rất lớn mà thành phố có thể tận dụng để giảm áp lực cho nhân viên y tế.