Doanh nghiệp "nước người ta": Coi đào tạo nhân sự là một chiến lược kinh doanh
Trong bối cảnh thiếu nhân lực như hiện nay, đào tạo nhân sự là giải pháp của nhiều công ty. So với doanh nghiệp Việt Nam, hiện các doanh nghiệp FDI đang tỏ ra bài bản hơn và có tầm nhìn xa.
Chia sẻ với chúng tôi mới đây, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search nhận định: "Đa phần các doanh nghiệp FDI rất nghiêm túc trong đầu tư vào đào tạo, bởi vì chuyện địa phương hóa đội ngũ lãnh đạo là bài toán kinh doanh. Rõ ràng khi có nguồn lực cấp quản lý là người trong nước thì họ sẽ không phải tốn chi phí lớn hỗ trợ vị trí quản lý ở các nước khác sang đây làm việc."
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search
Theo bà Mai, các doanh nghiệp FDI có chương trình Management Trainee – đào tạo quản trị viên tập sự. Ngoài ra, "đội ngũ nhân viên ở tất cả các cấp trong công ty sẽ có những chương trình đào tạo phù hợp cho từng cấp, để giúp cho nhân viên có thể phát triển từ cấp này lên cấp trên cao."
Một ví dụ có thể kể đến, không ai xa lạ là Samsung Việt Nam. Tại một sự kiện mới đây, ông Bang Hyun Woo - Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam phát biểu: "Việc đầu tư vào đào tạo và giáo dục cho nhân viên ở trong nội bộ công ty chúng tôi là một trong những chiến lược kinh doanh lâu dài và quan trọng nhất của công ty. Chúng tôi luôn xác định là đầu tư vào con người đem lại giá trị gia tăng rất cao, hơn rất nhiều so với đầu tư vào thiết bị, cơ sở vật chất."
Còn để minh họa cho việc đầu tư mạnh tay của doanh nghiệp nước ngoài vào đào tạo, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), Chủ tịch HĐQT Egroup kể: "Khi sang Hàn Quốc, tới một khu đào tạo nội bộ của một doanh nghiệp Hàn Quốc, tôi nhìn ở ngoài thì trông như một khu nghỉ dưỡng 5 sao rất đẹp. Đi vào trong thì tôi biết là đây là nơi hằng năm, người ta đưa lãnh đạo trên khắp các Hàn Quốc cũng như nhân viên trên khắp thế giới về đào tạo."
"Phải coi việc đào tạo nhân lực là một khoản đầu tư, chứ không nên coi đó là chi phí," Shark Thủy.
Đầu tư vào đào tạo nhân sự và sự đi lên của doanh nghiệp từng được Shark Thủy ví như chuyện con gà và quả trứng. "Khi doanh nghiệp thành công thì văn hóa doanh nghiệp sẽ được tập trung, ngân sách đào tạo sẽ được tăng nhiều hơn. Nhưng ngược lại, có tập trung đào tạo nhân sự thì mới có chuyện doanh nghiệp phát triển."
"Mỗi người chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải coi việc đào tạo nhân lực là một khoản đầu tư, chứ không nên coi đó là chi phí," Shark Thủy kết luận.
Ngoài ra, đầu tư vào đào tạo giúp tăng năng suất lao động là điều được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nhận, trong đó có Phó tổng giám đốc Samsung: "Tôi cho rằng năng suất lao động của người lao động phụ thuộc rất lớn vào quá trình đào tạo và việc tổ chức quản lý, sử dụng người lao động."
Doanh nghiệp Việt: Còn tư duy ngắn hạn trong đào tạo nhân lực
Theo bà Nguyễn Phương Mai, hiện có những doanh nghiệp trong nước đang làm tốt bài toán nhân sự. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Navigos Search đánh giá: "Có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường hiện giờ vẫn mang tính chất đầu tư ngắn hạn. Chúng ta nên nhìn về cái chiến lược phát triển dài hạn để có quyết định đầu tư đúng đắn hơn về con người, kể cả từ tuyển dụng lẫn xây dựng và phát triển đội ngũ. Đó là điều mà tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phải học hỏi ở các doanh nghiệp FDI."
Có nhiều nguyên nhân khách quan khiến doanh nghiệp Việt chưa có chiến lược đào tạo nhân viên bài bản và lâu dài. nhưng một nguyên nhân chủ quan cần bàn tới là tư duy. Theo ông Stephan Ulrich - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện nay các doanh nghiệp còn lo sợ thiệt hại lớn về chi phí đào tạo khi người lao động có xu hướng tìm đến các công ty trả lương hậu hĩnh hơn để làm việc sau khi hoàn thành khóa đào tạo.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Mai cho hay: "Nếu đầu tư vào đào tạo thì khả năng họ giữ chân nhân tài, nhân lực chủ chốt là rất cao. Nhân lực đó sẽ nhìn thấy cơ hội được phát triển tiếp lên của họ, cũng như họ có những công cụ, điều kiện trong chính công ty đó để hỗ trợ cho sự phát triển về mặt chuyên môn của họ, đáp ứng những yêu cầu của vị trí cao hơn. Đó là những nguồn động lực để nhân viên ở vị trí cấp quản lý sẵn sàng gắn bó lâu dài với công ty."
"Doanh nghiệp cần xem đào tạo là một dự án đầu tư trung hạn, dài hạn và phải có đánh giá thực hiện dự án," là nhận định của bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam. Còn theo ông Thủy, doanh nghiệp nên tập trung đào tạo cho đội ngũ quản lý cấp cao vì đội ngũ quản lý cấp cao quyết định phần lớn đến năng suất lao động của tổ chức.
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Thủy kiến nghị: "Chính phủ nên ủng hộ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Doanh nghiệp tư nhân sẽ là lực lượng chính để cải thiện chất lượng đào tạo cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam."
Doanh nghiệp "kêu" thiếu nhân lực chất lượng cao:
Báo cáo PCI 2017 cho thấy, 55% doanh nghiệp cho rằng khó tìm thấy nguồn lao động có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu." Còn theo Viện Khoa học lao động xã hội, 2/3 số doanh nghiệp Việt Nam cho biết phần lớn người lao động đang thiếu những kỹ năng cần thiết về chuyên môn và về các kỹ năng nòng cốt, cốt lõi khác.
Theo một khảo sát của Navigos Search, "có đến 41% doanh nghiệp Việt cảm thấy khó khăn trong việc tìm ứng viên chất lượng cho vị trí quản lý," và hiện đang có cuộc chiến tranh giành giật nhân tài giữa các doanh nghiệp, nhằm tìm ứng viên đủ chất lượng cho những vị trí này.