Mục tiêu lợi nhuận 11.286 tỷ đồng trong năm 2024, chia cổ tức tỷ lệ 16%
Theo đó, đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22,2% so với kết quả thực hiện được năm 2023.
Tổng tài sản dự kiến đạt 701.000 tỷ đồng, tăng 11,2%; vốn điều lệ tăng lên 40.658 tỷ đồng; tổng dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 14% lên 518.555 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức 3%.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án dùng hơn 5.859 tỷ đồng để thực hiện trả cổ tức cho cổ đông (tỷ lệ dự kiến là 16%). Trong đó, SHB sẽ sử dụng hơn 1.831 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt (tỷ lệ 5%) và hơn 4.028 tỷ đồng để trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 11%).
Sau khi thực hiện trích các quỹ bắt buộc và trả cổ tức, SHB còn hơn 69,4 tỷ đồng lợi nhuận để lại chưa phân phối.
Dự kiến sau khi hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên gần 40.658 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn tăng thêm sẽ được dùng chủ yếu vào mục đích cho vay doanh nghiệp, bao gồm cho vay bổ sung vốn lưu động, tài trợ tài sản cố định và cho vay sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án. Thời gian giải ngân dự kiến là quý III hoặc quý IV/2024 hoặc đến khi hoàn thành kế hoạch phát hành.
Đại hội cổ đông năm nay còn thông qua một số nội dung quan trọng khác, trong đó có kế hoạch niêm yết trái phiếu SHB phát hành ra công chúng với số lượng 5.000 tỷ đồng mệnh giá để tăng vốn cấp 2 nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn để cấp tín dụng cho khách hàng.
Thảo luận hàng loạt vấn đề "nóng"
Cho rằng, kế hoạch kinh doanh đặt ra trong năm 2024 của Ban điều hành là "khá táo bạo", một cổ đông đề nghị lãnh đạo SHB làm rõ tính khả thi của các mục tiêu này?.
Về kế hoạch kinh doanh, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết, SHB đặt ra kế hoạch dựa trên cơ sở rõ ràng, trong đó có các sản phẩm cho từng phân khúc khách hàng, hoặc chuỗi cung ứng giá trị cho khách hàng doanh nghiệp hay khách hàng bán lẻ; phải giảm chi phí đầu vào; đầu tư hệ thống bảng cân đối tài sản đã có, làm sao các kỳ hạn có hiệu quả, gia tăng thêm hoạt động phi tín dụng như ngoại tê,…
Đồng thời, SHB cũng giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu đóng góp vào lợi nhuận 2024.
Ngoài ra, ngân hàng còn có dự án chuyển đổi số để tăng khách hàng, giảm chi phí vốn. Để minh chứng cho tính khả thi kế hoạch 2024, đến tháng 3/2024, lợi nhuận đạt hơn 4000 tỷ đồng.
Liên quan đến tỷ lệ nợ xấu theo mục tiêu đặt ra trong năm 2024 là 2,7%- nhỏ hơn 3%, một cổ đông cho rằng, mục tiêu về tỷ lệ nợ xấu nên đặt ra ở mức 2,5%. Bởi việc giảm đi 0,1-0,2% là "bớt" được nợ xấu rất nhiều, tăng hiệu quả của ngân hàng.
Trả lời ý kiến của cổ đông, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, thực sự SHB luôn minh bạch, phản ánh đúng thực trạng hoạt động.
Ông cho rằng, nợ xấu tăng là điều không ai mong muốn nhưng do tình hình chung nên chúng ta xác định nợ xấu tăng lên 2,7% phản ánh trung thực tình hình chung của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, SHB vẫn kiểm soát được và đồng hành với doanh nghiệp để vượt qua khó khăn.
Về xử lý nợ xấu, Hội đồng quản trị, Ban điều hành ngân hàng tập trung cao độ xử lý nợ xấu từ nay đến hết tháng 9.
SHB thành lập các tổ từ hội sở đến chi nhánh phòng giao dịch, trực tiếp làm rõ với các giải pháp phù hợp, hỗ trợ đồng hành với khách hàng vượt qua khó khăn, thu hồi khoản nợ xấu cần thiết, giảm nợ xấu của SHB. Mục tiêu đặt ra là như vậy nhưng SHB sẽ quyết tâm đưa nợ xấu về dưới 2%.
"Tôi muốn đưa con số khả thi chứ không muốn đánh bóng" - ông Hiển nói thêm.
Liên quan đến việc thoái vốn khoản đầu tư tại SHB Lào và tiến độ tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, ông Hiển thông tin: SHB ký hợp đồng thỏa thuận cơ bản với đối tác ở bên Lào. Khi SHB chuyển nhượng thì luôn luôn đặt lợi ích của cổ đông lên hàng đầu.
"Chúng tôi tự hào có deal chuyển nhượng cao, giá trị tốt so với mặt bằng chung. Các quý vị an tâm khi đàm phán với đối tác, họ bảo chúng tôi ghê gớm, vì chi tiết quá nhưng họ rất thích", ông Hiển cho hay.
Một vấn đề khác cũng được cổ đông quan tâm đặt câu hỏi tại đại hội đó là vấn đề về cổ phiếu. Trong đó, một cổ đông có đặt ra câu hỏi cho Ban lãnh đạo ngân hàng về việc dù là cổ phiếu trong VN30 nhưng hiện giá SHB chỉ có 11.100 đồng/cp, thậm chí có lúc xuống dưới mệnh giá. Cổ đông này đề nghị ban lãnh đạo cần có biện pháp cụ thể, đưa giá cổ phiếu khớp lệnh lên trên 12.000 đồng hoặc 15.000 đồng.
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết, về cổ phiếu, cổ đông chia sẻ là giá đang thấp. Tuy nhiên, thấp hay cao do các nhà đầu tư, do khẩu vị, do sự lựa chọn.
Theo ông Hiển, khi các nhà đầu tư quan tâm đến mã đầu tư, chúng ta phải nghiên cứu đánh giá các chỉ số tài chính, giá trị của danh mục vừa ngắn hạn vừa trung hạn vừa dài hạn có bền vững hay không? Bản thân nội tại sức khỏe của doanh nghiệp quyết định cái cổ phiếu. Đã là cổ đông ai cũng muốn giá trị cao.
"Nhưng chúng ta tự hào SHB là một mã cổ phiếu có giá trị thanh khoản liên tục dẫn đầu. Ngay trên sàn Hose, chúng ta thấy nhiều người quan tâm", Chủ tịch Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh: "Các quý vị sẽ tự đánh giá. Các cổ đông tự lựa chọn. Với thanh khoản như vậy cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư là rất lớn".