Hiện tại, Hội đồng quản trị của SHB gồm 7 thành viên và do ông Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch. Ngoài chức vụ tại SHB, ông Hiển cũng đang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch Tập đoàn T&T, Chủ tịch CTCP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Chủ tịch CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH).
Như vậy, trong nhiệm kỳ mới, ông Đỗ Quang Hiển sẽ phải đưa ra quyết định chọn "ghế" chủ tịch tại SHB hay Tập đoàn T&T và các công ty khác.
Bởi lẽ, theo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực, SHB đã bầu xong thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, vì vậy, ông Hiển vẫn đang đương nhiệm cả chức Chủ tịch SHB lẫn Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group cho đến hết nhiệm kỳ.
Trước đó, thị trường cũng chứng kiến làn sóng thoái nhiệm vị trí chủ tịch của một loạt một loạt ông chủ nhà băng khi Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 có hiệu lực. Điển hình như trường hợp của bà Nguyễn Thị Nga tại SeABank hay ông Vũ Văn Tiền tại ABBank.
Tại SHB, ông Đỗ Quang Hiển và nhóm cổ đông liên quan đang sở hữu gần 20% vốn. Do đó, trong trường hợp không còn là chủ tịch thì ảnh hưởng của bầu Hiển tại ngân hàng này vẫn sẽ là rất lớn.
Trong một diễn biến khác, ông Hiển và 6 cá nhân, tổ chức liên quan vừa chi ra gần 1.350 tỷ đồng để thực hiện quyền mua gần 108 triệu cổ phiếu SHB. Các giao dịch đều được thực hiện trong ngày 8/12. Trong đó, ông Hiển đã nộp gần 185,4 tỷ đồng để mua hơn 14,8 triệu cổ phiếu SHB, nâng số lượng sở hữu lên gần 67,8 triệu đơn vị.
Đây là quyền mua được phát hành tại đợt chào bán hơn 539 triệu cổ phiếu SHB cho cổ đông hiện hữu với giá 12.500 đồng/cp, thấp hơn gần một nửa so với thị giá hiện tại. Với việc nắm giữ gần 20% cổ phần SHB, nhóm bầu Hiển được quyền mua thêm gần 108 triệu cổ phiếu để duy trì tỷ lệ sở hữu.