Hồi tháng 4, COO của Facebook - Sheryl Sandberg, đã yêu cầu một trong những nhóm an ninh mạng của Facebook thực hiện một dự án đặc biệt. Họ giúp đỡ một người dùng đã gửi email cho Sandberg, cho biết anh ta bị bắt nạt trên mạng xã hội. Nhóm người bắt nạt đã hack tài khoản của anh này và tạo nhiều tài khoản giả mạo, sau đó đăng tải nhiều nội dung nhằm chế giễu việc anh là người khuyết tật.
Trong những năm trước, việc yêu cầu trực tiếp như trên không phải là nhiệm vụ thông thường đối với Sandberg, bà chịu trách nhiệm về hướng phát triển mảng kinh doanh quảng cáo và xử lý những vấn đề về truyền thông cho công ty. Tuy nhiên, theo nguồn tin thân cận tiết lộ với CNBC, sau một vài năm Facebook ưu tiên sự tăng trưởng dựa trên việc bảo vệ dữ liệu người dùng, thì Sandberg cũng có trách nhiệm cao hơn đối với quyền riêng tư và sức khoẻ tâm lý của người dùng.
Đối với Sandberg, những năm 2010 là khoảng thời gian diễn ra nhiều sự kiện quan trọng nhất của công ty. Ở đầu thập kỷ này, bà là một biểu tượng của nữ doanh nhân đang phát triển mạnh mẽ. Nhưng giờ đây, khi thập kỷ chuẩn bị kết thúc, Sandberg lại là một trong hai nhân vật nổi tiếng của một công ty dính vào bê bối tiết lộ thông tin người dùng và trở thành biểu tượng cho tính tự mãn của ngành công nghệ.
"Dấn thân" và vươn lên
Sau khi rời khỏi Google và trở thành COO của Facebook vào năm 2008, ở tuổi 38 thì Sandberg vẫn còn quá trẻ so với vị trí này nhưng vẫn hơn nhà sáng lập, CEO - Mark Zuckerberg tới 15 tuổi. Nhiệm vụ quan trọng nhất của bà là đảm bảo tăng trưởng doanh thu cho Facebook và mảng kinh doanh quảng cáo, để hướng đến mục tiêu IPO.
Sau đó, bà đã có được thành tích rất đáng nể. Trước khi Sandberg được tuyển dụng, doanh thu của Facebook chỉ cao hơn mức 150 triệu USD một chút vào năm 2007. Đến năm 2011, với sự dẫn dắt của bà, con số này đã tăng thêm 2.400% lên mức 3,7 tỷ USD. Những gì bà thực hiện ở mảng kinh doanh quảng cáo gần như hoàn hảo cho kế hoạch IPO vào năm 2012. Khi lên sàn vào tháng 5 năm đó, Facebook đã huy động được 16 tỷ USD và vốn hoá đạt mức 104 tỷ USD. Tháng sau đó, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trong hội đồng quản trị của Facebook.
Khi Facebook phát triển, thì danh tiếng của Sandberg cũng vậy. Nắm bắt cơ hội ấy, tháng 3/2013, bà xuất bản cuốn sách "Dấn thân: Phụ nữ, Công việc và Quyết tâm lãnh đạo". Ngoài ra, bà cũng thành lập "Quỹ gia đình Sheryl Sandberg & Dave Goldberg" sau khi cuốn sách này tập trung khai thác những vấn đề phụ nữ phải đối mặt ở nơi làm việc.
"Dấn thân" là một "bản tuyên ngôn" dành cho phụ nữ ở nơi làm việc và đạt được thành công vang dội, với hàng triệu bản đã được bán ra, giúp Sandberg có mặt trên rất nhiều bìa tạp chí cũng như chương trình trên truyền hình. Dù có nhiều lời chỉ trích về nội dung cuốn sách được đưa ra trong những năm gần đây, đặc biệt là về sự thiếu hiểu biết đối với phụ nữ sống ở vùng ít người, thì "Dấn thân" vẫn là yếu tố mang đến danh tiếng cho Sandberg và đưa bà trở thành biểu tượng cho phụ nữ trên toàn cầu.
Năm 2016, những suy đoán về tương lai chính trị của bà cũng có sự thúc đẩy. Bà là người ủng hộ trung thành của đảng Dân chủ và từng phục vụ trong Bộ Tài chính dưới thời Bill Clinton. Bà cũng là người ủng hộ Hillary Clinton và ở chiến dịch tranh cử năm 2016, có nhiều thông tin cho rằng bà sẽ được cân nhắc cho một vị trí trong nội các nếu Clinton đắc cử. Dẫu vậy, bà phủ nhận và cho biết đang "thực sự gắn bó với Facebook."
Tổng thống Trump và những câu chuyện về sau
Dù bà có kế hoạch rời khỏi Facebook hay không, thì tham vọng về chính trị cũng trở thành mục tiêu "lỡ dở" khi ông Trump đắc cử vào tháng 11/2016.
Tháng 4/2017, Facebook đã công bố một case study về việc họ phát hiện ra "các tổ chức thông tin" bên ngoài có ý định can thiệp đến cử tri trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Khi đó, Facebook cho biết, một số nhóm đã lấy cắp thông tin từ nhiều tài khoản email để gây hại cho các đối tượng chính trị. Nghiên cứu này được Facebook và chính phủ Mỹ theo dõi trong vài tháng sau đó, nêu chi tiết về cách Nga sử dụng Facebook để tác động đến các cử tri.
Dẫu vậy, cuộc bầu cử năm đó cuối cùng lại gây ra nhiều bất trắc cho Sandberg và cả công ty. Tháng 3/2018, The Guardian và The New York Times đưa tin rằng công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica đã truy cập vào thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook, sử dụng dữ liệu đó nhắm đến việc tác động vào các cử tri để họ ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cửu năm 2016. Con số cuối cùng được công bố là 87 triệu tài khoản.
Facebook đã đăng tải một nội dung trên trang blog vào ngày 16/3, cho biết họ đang cấm Cambridge Analytica truy cập trái phép vào dữ liệu người dùng. Sau khi đăng tải, Sandberg và cả công ty không xuất trước báo giới trong vòng 5 ngày. Vụ bê bối này đã tạo ra một biến động lớn trong cả Facebook và thay đổi cách suy nghĩ của rất nhiều người về các giám đốc điều hành của công ty.
Chưa đầy 2 năm sau khi vụ bê bối vỡ lở, phần lớn những tổn thất đã nằm trong tầm kiểm soát. Dù Facebook đã phải trả khoản tiền phạt 5 tỷ USD cho Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ, thì những thương vụ với công ty con của họ - như Instagram và Whatsapp, vẫn đi lên và số lượng người dùng không hề giảm đi.
Ở nội bộ Facebook, Sandberg vẫn là một giám đốc điều hành được đánh giá cao và nhân viên thường tìm đến bà để xin tư vấn về kinh doanh, theo tiết lộ của một cựu nhân viên. Ví dụ, nhóm sale của Workplace, cũng nhờ sự giúp đỡ của bà khi họ đang làm việc với những khách hàng lớn như Delta Airlines hay Starbucks. Công ty vẫn coi bà là một "viên ngọc quý" đã cống hiến rất nhiều cho họ.
Hiện tại, Sandberg có thể không còn là một biểu tượng cho phụ nữ, nhưng bà vẫn là vị giám đốc điều hành quyền lực thứ hai ở một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Sự nghiệp cũng như đời tư của bà đã trải qua nhiều biến cố, nhưng giờ đây mọi thứ đã ở trong tầm kiểm soát và bà vẫn đang nỗ lực để tái tạo thành công như trước đây.
Tham khảo CNBC