Đồng loạt giảm giá, khuyến mại
Chị Tuệ An - nhân viên cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, so với trước đây, doanh thu kinh doanh tại cửa hàng sụt giảm rất nhiều. Mặc dù cửa hàng đã áp dụng các chương trình khuyến mại như áo giữ nhiệt 0 đồng; áo kiểu giảm giá 70%; áo khoác giảm 10-50%,… để thu hút khách nhưng cũng không khá hơn. Ngày Black Friday năm nay lượng khách có đông hơn một chút nhưng phần lớn đến chỉ để xem hàng.
Khác hẳn với những đợt sale trước đây khi các cửa hàng chỉ giảm giá một số món đồ (thường hàng mới giảm giá ít hơn, hàng cũ giảm nhiều hơn) thì dịp này, hầu hết các shop giảm giá tất cả các mặt hàng. “Cửa hàng đang chạy chương trình giảm giá toàn bộ sản phẩm, kể cả những bộ sưu tập mới nhưng tình hình mua bán vẫn ảm đạm. Cửa hàng mở từ 9 giờ sáng đến 22 giờ đêm nhưng cũng chỉ có 4 - 5 khách đến xem, có ngày được 1-2 khách mua hàng giá trị thấp”, chị Diễm – chủ cửa hàng thời trang trên phố Thái Hà chia sẻ.
Thời điểm này, bên cạnh một số cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, các nhãn hiệu nổi tiếng cũng giảm giá sâu để thu hút khách hàng và cạnh tranh. Không khó bắt gặp các cửa hàng thời trang Pantio sale từ 20-30%, Jack&Jones sale toàn bộ cửa hàng 50%, Levis sale 50%, Genviet Jeans sale up to 50%,… Anh Huy, quản lý cửa hàng tại Trung tâm thương mại Aeon Mall chia sẻ: Tuy có chiến lược sale nhưng lượng khách đến cửa hàng vẫn rất ít, doanh thu chỉ bằng một nửa năm trước.
Cùng cảnh với anh Huy, chị Trang - nhân viên cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi cho hay, đồ trong shop chủ yếu là đồ thiết kế, trước đây khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch cửa hàng cập nhật mẫu mã liên tục, nhưng 2 năm trở lại đây do hàng cũ, hàng tồn còn nhiều nên nhà thiết kế, chủ cửa hàng đã hạn chế hơn, thi thoảng mới có nhập vài mẫu mới để giữ khách.
Kênh mua sắm online chi phối
Do còn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phần lớn người tiêu dùng còn dè dặt trong mua sắm. Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử cũng tác động mạnh đến các cửa hàng kinh doanh theo phương thức truyền thống. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, nhiều cửa hàng đã chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến trên các trang thương mại điện tử.
Chị Trang thông tin, cửa hàng của chị bán hàng trên nhiều trang mạng điện tử bằng cách livestream, đăng tải liên tục những mẫu quần áo… Từ đó thấy được số lượng khách mua khá hơn so với bán tại cửa hàng. Tương tự, anh Trung - nhân viên cửa hàng thời trang trên phố Đông Tác cũng cho biết, cùng với việc kinh doanh truyền thống, cửa hàng đẩy mạnh việc bán hàng online nhằm đảm bảo an toàn và duy trì thu nhập.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, đa số người dân chuyển qua hình thức mua sắm trực tuyến. Có mặt tại 1 cửa hàng thời trang, chị Đào - khách mua hàng cho biết, công việc của chị khá bận rộn nên thường không có nhiều thời gian đến từng cửa hàng. Nhờ có thương mại điện tử, việc mua sắm của chị trở nên nhanh chóng và tiện lợi hơn. Chị Thuỷ – khách mua hàng cũng chia sẻ: “Mình vừa mua trực tiếp vừa đặt hàng online. Tuỳ vào từng món đồ mà mình sẽ chọn cách mua phù hợp”./.
Tuần lễ Thương mại điện tử Việt Nam diễn ra từ 27/11 - 4/12. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố Chương trình Tuần lễ mua sắm trực tuyến và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021 để đưa hoạt động mua sắm trực tuyến tới gần với người tiêu dùng, góp phần xây dựng thương mại điện tử Việt Nam lành mạnh. Việc mua hàng online nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng an toàn trước dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau dịch./.