Trong thời gian vừa qua, sàn Thương mại điện tử (TMĐT) Shoppe có nhiều thay đổi về chính sách quản lý liên quan trực tiếp đến người bán, người mua. Việc này nhằm cải thiện trải nghiệm của khách hàng, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong thực hiện chính sách đối với nhà bán hàng.
Cụ thể, theo thông báo của Shopee Việt Nam, kể từ ngày 26/02/2024, người mua khi họ có thể "Yêu cầu Trả hàng/hoàn tiền" trong vòng 15 ngày. Shopee lưu ý người mua có thể gửi yêu cầu Trả hàng/Hoàn tiền kể cả sau khi đã bấm xác nhận "Đã nhận được hàng" nếu vẫn còn trong thời hạn Trả hàng/Hoàn tiền.
Nếu sau thời hạn trên, người mua phát sinh yêu cầu Trả hàng/Hoàn tiền với sản phẩm nhận được và liên hệ trực tiếp đến bộ phận Chăm sóc khách hàng của Shopee, Shopee sẽ xem xét hỗ trợ cho những yêu cầu được chấp nhận theo chính sách Trả hàng/Hoàn tiền hiện tại. Do đó, các Shop hãy thường xuyên kiểm tra và theo dõi mục "Trả hàng/Hoàn tiền" để xử lý và cung cấp bằng chứng theo quy định để đảm bảo quyền lợi của Shop.
Thay vì 7 ngày như trước, chính sách mới của sàn TMĐT này được nhiều người dùng ủng hộ bởi họ có thêm thời gian sử dụng hoặc kiểm chứng chất lượng hàng hóa.
"Đối với những mặt hàng gia dụng thì không nói, nhưng với hàng điện tử, rất nhiều người bán hàng kém chất lượng dùng được vài ngày lỗi. Do đó, tôi nghĩ việc tăng thời gian đổi trả của Shopee 15 ngày như hiện nay là hợp lý", chị Thanh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Đồng quan điểm, người dùng Minh Quân (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, trên các sàn TMĐT hiện nay như Shopee, TikTok Shop... người mua khó phân biệt được hàng giả/thật nên cần thiết phải có những chính sách bảo vệ người tiêu dùng.
"Tôi mua hàng trên Shopee nhiều, nhưng quả thật trước đây cho đổi trả 7 ngày quá ít, giờ tăng lên 15 ngày là hợp lý bởi nhiều món đồ dùng hơn tuần là hỏng thì không thể đổi/trả được. Trong khi đó, với người dùng, việc phân biệt hàng thật/giả không phải là chuyên môn, tìm kiếm hàng cứ cái gì thấy trước, giá hợp lý là mua", anh Quân nói.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, khi mua sắm online, người dùng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro hiện hữu mà cụ thể là hàng giả, nhái không thể phân biệt được.
“Nhiều trường hợp mua đồ trên mạng, đã thanh toán tiền, nhưng khi nhận hàng không như quảng cáo, sai mẫu, sai màu, không đạt chất lượng... là phổ biến", ông Phú chia sẻ.
Với việc tăng ngày hoàn hàng, người dùng phần nào yêu tâm về tình trạng mua phải hàng giả, nhái kém chất lượng trên Shopee. Nếu sử dụng không đúng như giới thiệu của nhà bán hàng, người mua có thể yêu cầu trả hàng, hoàn tiện nhằm giảm thiệt hại về kinh tế.
Ở chiều ngược lại, chính sách dành cho các nhà bán hàng của Shopee đã dần siết chặt hơn đến mức "vô lý".
Theo một nhà bán hàng giấu tên cho biết, các nhà bán hàng hiện nay khá bức xúc vì một số chính sách bất hợp lý. "Tôi bán hàng trên Shopee khá lâu, nhưng thời gian gần đây cảm thấy bức xúc với chính sách trả hàng/hoàn tiền. Với những đơn dưới 50 nghìn vừa mất hàng (dùng chán không thích khách hoàn), mất tiền ship người bán phải chịu, đơn trên 50 nghìn còn được hoàn hàng trả tiền trong vòng 15 ngày".
Đặc biệt, đối với mặt hàng thời trang, nhiều khách mua quần áo về nhưng đã sử dụng, sau đó không thích trả hàng khiến nhiều nhà bán hàng bức xúc.
"Chẳng nhẽ Shopee nghĩ khách mua cái về chỉ treo lên ngắm, giữ nguyên tag không mặc, sau 15 ngày không thích mới đổ trả sao? Họ mặc chán rồi, không thích lại đóng gói yêu cầu trả tiền và Shopee vẫn chấp nhận trả hàng. Trong khi đó, Shopee yêu cầu nhà bán hàng chứng minh khách đã sử dụng thì quá khó cho người bán hàng", một nhà bán hàng cho biết.
Ngoài ra, cộng đồng nhà bán hàng trên Shopee đang đặt ra nhiều câu hỏi về chính sách được áp dụng trong thời gian gần đây.
Theo anh N.T.G, một nhà bán hàng trên Shopee cho biết, người bán sẽ được nhận tiền khi khách bấm "Đã Nhận Hàng" hoặc ngày thứ 8 kể từ lúc giao thành công, nhưng hiện có hơn 100 đơn đơn hàng thoả điều kiện trên (8 ngày từ khi giao thành công), tuy nhiên vẫn không nhận được tiền.
Anh này có gửi email khiếu nại lên Shopee, nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Cụ thể, Shopee trả lời bằng mail với nội dung người bán hàng phải chờ 16 ngày kể từ lúc giao thành công.
Như vậy, theo anh N.T.G, Shopee đã không thực hiện theo thỏa thuận "ngày thứ 8 kể từ lúc giao thành công" phải thanh toán tiền cho nhà bán hàng. Đồng thời, việc khách có quyền trả trong 15 ngày không liên quan tới việc Shopee thanh toán tiền hàng đã giao thành công.
Cũng chung tình trạng trên, nhiều nhà bán hàng liên tục đăng tải bài viết trên Group Facebook về việc tố Shopee chèn ép người bán hàng bằng việc giữ tiền 15-20 ngày mới thanh toán. Họ cho rằng, Shopee cố tình chiếm dụng vốn bằng việc chậm thanh toán dù đã giao hàng thành công đến ngày thứ 8.
Nhiều nhà bán hàng có đến hàng trăm đơn hàng, thậm chí nghìn đơn với giá trị cao với số vốn bị đọng lại lớn khiến họ không thể xoay vòng nhập hàng khi Shopee chậm thanh toán.
Sự việc này cũng thu hút doanh nhân Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình), và vị "cá mập" này đã chia sẻ lại câu chuyện trên Facebook cá nhân và tâm sự rằng mình cũng từng "nát xương lòi da" 20 năm về trước, vì không chịu nổi nhiệt khi đầu tư vào thương mại điện tử nhưng không đọ nổi với sàn nước ngoài mà phải ngậm ngùi đóng cửa.
"Hôm nay vừa nghe có nhà bán hàng online kêu như vạc vì có sàn 'bên tay phải' thì tăng thời gian trả tiền lên 30 ngày, tổng thời gian ôm tiền có thể lên đến 45 ngày. 'Bên tay trái' thì sàn chẳng ngại giới thiệu luôn dịch vụ cho vay vốn kinh doanh, thành ra nhà bán tự vay tiền của chính mình và trả thêm lãi phí cho sàn", Shark Bình chia sẻ. Theo ông, điều này như việc "vặt lông vịt nhưng không cho chúng được kêu".
"Biết rằng sau khi đốt hàng tỉ USD để hốt trọn thị trường mua bán hàng hóa online thì cũng đến lúc các sàn phải 'vặt lông vịt' để kiếm lời, nghe đâu lãi 1 - 2 năm đã bù hết lỗ cả 10 năm", ông Nguyễn Hòa Bình đăng trên trang Facebook cá nhân.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử người bán và sàn đã đồng ý với nhau về các điều khoản sử dụng chung (hợp đồng). Theo đó sàn TMĐT phải có trách nhiệm thực hiện đúng các chính sách mà mình đã cam kết với người bán hàng. Vấn đề giao nhận tiền giữa sàn thương mại điện tử và người bán hàng bản chất là thoả thuận dân sự giữa các bên
Cũng theo Luật sư Bình, trong trường hợp nếu có sự chậm trễ vượt quá thời gian đã cam kết, hai bên phải có sự liên hệ để giải quyết.
"Trước tiên người bán có thể cần liên hệ với dịch vụ hỗ trợ của Shopee để tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết vấn đề. Trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong việc thực hiện chính sách đã cam kết là đảm bảo rằng các quy trình thanh toán được thực hiện một cách minh bạch và kịp thời, tuân theo các điều khoản đã được thông báo trước đó với người bán. Khi có bất kỳ vi phạm nào từ phía sàn TMĐT, người bán có quyền yêu cầu giải quyết theo nội dung đã thoả thuận", vị Luật sư này chia sẻ.
Theo Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại người bán hàng có thể yêu cầu sàn thương mại điện tử bồi thường cho những tổn thất mà mình phải chịu do lỗi từ phía sàn thương mại điện tử gây ra.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế hiện nay là phía sàn TMĐT họ còn phải nhận trách nhiệm các đơn hàng bị trả theo cam kết giữa họ và người mua.
Ví dụ, người mua được đổi trả trong vòng 15 ngày, xác minh việc đổi trả, họ phải có nghĩa vụ hoàn trả tiền lại cho người mua nếu như đúng lỗi của người bán hàng. Vì vậy, đây cũng là khoảng thời gian hợp lý để các bên đối chiếu với nhau.