Shophouse đang bị ế ẩm, “thất sủng”
Mặt bằng bán lẻ khối đế chung cư (shophouse) từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” nhưng nay đang bị “thất sủng” trong dịch bệnh COVID-19.
Shophouse bây giờ không còn là "con gà đẻ trứng vàng" của thị trường bất động sản.
Phân khúc này nở rộ trên thị trường từ khoảng năm 2015, từng được nhiều chuyên gia, giới đầu tư dự đoán sẽ là “con gà đẻ trứng vàng”. Vào thời kỳ đầu, phân khúc shophouse đã đón nhận làn sóng đầu tư do có nhiều ưu điểm là có thể vừa sử dụng để ở, vừa có thể kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng.
Đặc biệt, trong một dự án khu đô thị, chủ đầu tư thường để dành vị trí đẹp nhất, gần các trục đường chính để xây dựng các căn shophouse kiểu mẫu. Chính vì vậy, giá bán của của shophouse luôn cao hơn từ 1,5-2 lần so với nhà mặt phố trong cùng dự án. Thế nhưng, trái ngược với kỳ vọng là hàng hiếm của thị trường bất động sản, hiện nay shophouse đang bị ế ẩm, “thất sủng”.
Đưa vào hoạt động từ năm 2015, dự án Dream Home Luxury (quận Gò Vấp, TPHCM) từng được xem là điểm sáng cho mặt bằng bán lẻ khi vị trí dự án thuận tiện cho kinh doanh. Với lợi thế khi sở hữu lượng căn hộ lớn, số lượng cư dân lên tới hàng ngàn người sinh sống khi đưa vào hoạt động, cũng là điều kiện thuận lợi cho kinh doanh bán lẻ.
Chính vì vậy, giá các căn shophouse ở đây không hề rẻ, thời điểm đó chủ đầu tư chào bán tới hơn 2 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, dù đưa vào hoạt động nhiều năm nay và số lượng cư dân gần như 100% chuyển về sinh sống, nhưng tới nay, ngoài một số căn shophouse được khai thác kinh doanh, đa số còn lại vẫn để không.
Tương tự, chung cư Sunrise City (quận 7, TPHCM) đối diện với Trung tâm thương mại sầm uất Lotte Mart quận 7. Thời điểm đưa vào hoạt động năm 2015, khu bán lẻ của dự án cũng khá rầm rộ với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu thời trang, siêu thị, khu vui chơi giải trí, ăn uống… Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm sau, các thương hiệu dần rút lui và đến nay, khu thương mại của dự án này đến nay không còn thấy hoạt động.
Khảo sát của Tiền Phong cũng cho thấy, loạt chung cư khác đã đưa vào hoạt động từ lâu nhưng shophouse ở đây cũng đang trong tình trạng bỏ không. Dự án The Park Residence (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) đã bàn giao nhà cho khách hàng vào ở cách nay gần 2 năm, nhưng phần lớn các tầng thương mại vẫn trong cảnh “vườn không nhà trống”. Dù dự án nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, liên tục được dán các thông báo cho thuê mặt bằng được gỡ đi dán lại, nhưng tình hình vẫn không khả quan.
Hàng loạt shophouse tại chung cư Happy Valley mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 đóng cửa, trả mặt bằng.
Chung cư Belleza (phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM), cũng đang bị bỏ trống nhiều căn shophouse và mặt bằng bán lẻ. Dù hàng ngàn căn hộ đã được bàn giao cho người dân vào ở, nhưng chỉ lác đác vài cửa hàng mở ra bán đồ ăn, thức uống. Mặt bằng bán lẻ khu vực tầng trệt đã ế, các tầng 1, 2 còn ảm đạm hơn, hầu như không ai thuê.
“Vài năm nay các căn shophouse khu vực này luôn trong tình trạng chật vật tìm khách thuê mặt bằng kinh doanh. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình càng trầm trọng hơn. Thậm chí nhiều cửa hàng phải trả lại mặt bằng, chấp nhận mất cọc vì không thể kinh doanh được”, một người chuyên kinh doanh shophouse ở quận 7 ngán ngẩm.
Không nên đầu tư ngắn hạn vào shophouse?
Bà Trần Thị Thu Hà, phụ trách bản lẻ của Savills Việt Nam cho biết, dưới tác động của đại dịch COVID-19, phân khúc nhà phố cho thuê, shophouse đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực, điển hình là trả mặt bằng hàng loạt tại các khu phố rất sầm uất và cao cấp của thành phố. Do đó, việc giảm giá thuê từ phía chủ nhà là một trong những điều kiện tiên quyết để gỡ khó hiện tại. Dù vậy, giảm bao nhiêu, hình thức giảm và thời hạn giảm, vẫn là điều các chủ nhà còn dè dặt.
Trong khi đó, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho rằng, shophouse chỉ thực sự tiềm năng khi đạt được nhiều yếu tố. Thứ nhất, dự án có khả năng lấp đầy nhanh. Thứ hai, dịch vụ tiện ích thật tốt. Thứ ba, phải có cộng đồng cư dân nội khu đủ lớn và thứ tư là có sự kết nối thông suốt, thu hút cộng đồng cư dân bên ngoài dự án.
Để đạt lợi nhuận và an toàn thì nhà đầu tư nên chọn shophouse có giá trị vừa từ 2-7 tỷ đồng, để không phải bỏ số tiền quá lớn ban đầu mà chưa biết có thu lại tương xứng hay không. Nhà đầu tư cũng không nên đầu tư vào shophouse trong ngắn hạn từ 1-2 năm mà phải có kế hoạch trung tới dài hạn từ 3-5 năm trở lên.
Người mua cũng cần chú ý tới diện tích sàn thương mại tầng 1, nếu sản phẩm có diện tích quá hẹp chỉ với khoảng 75m2 thì sẽ gây khó khăn trong việc kinh doanh. Nhiều sản phẩm rơi vào tình trạng mua rồi để đó bởi không thể sử dụng cho việc khai thác thương mại.
Theo Luật sư Nguyễn Duy Sinh, Trưởng văn phòng luật sư Sinh và Cộng sự, thực chất shophouse là tên gọi doanh nghiệp tự đặt. Hiện khái niệm shophouse chưa được đề cập và chưa có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Shophouse gọi đúng phải là cửa hàng, cơ sở thương mại dịch vụ, không phải là nhà ở, nên không thể gọi là “house”. Khách hàng có thể ngộ nhận họ có thể vừa kinh doanh vừa sử dụng để ở, nhưng thực tế thì không thể. Vì vậy, người mua shophouse phải cân nhắc, vì sẽ không được phép đăng ký tạm trú, tạm vắng ở những căn shophouse này.
Chưa kể, loại sản phẩm này không được sở hữu lâu dài, mà chỉ là sở hữu có thời hạn. Những shophouse tại khối đế của các tòa nhà chung cư hiện vẫn là dòng sản phẩm chưa rõ ràng về tính chất pháp lý, bởi thông thường, các sản phẩm đó chỉ có hợp đồng mua bán với thời hạn 50 năm.